Người phụ nữ mất 2,3 tỷ đồng vì… sàn Bitforex.com
Gần đây, một phụ nữ tại Hà Nội đã bị lừa 2,3 tỷ đồng khi tham gia vào nhóm đầu tư “Tài chính thời đại” và đầu tư vào sàn tiền ảo Bitforex.com.
Tuần qua (9-15/9), theo Cục An toàn thông tin, vấn nạn lừa đảo gia tăng mạnh trong các lĩnh vực từ thiện, y tế, tài chính và công nghệ. Các đối tượng mạo danh tổ chức từ thiện, bác sĩ, sàn giao dịch và sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm pháp.
Mất 2,3 tỷ đồng… vì Bitforex.com
Một loại hình lừa đảo tài chính khác đang nổi lên là lừa đảo đầu tư qua mạng xã hội. Công an thành phố Hà Nội mới tiếp nhận đơn trình báo từ chị V. (SN 1974, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) về việc bị lừa đảo 2,3 tỷ đồng sau khi tham gia nhóm “Tài chính thời đại” và đầu tư tiền ảo qua sàn Bitforex.com.
Các đối tượng lừa đảo thường lập ra các sàn giao dịch chứng khoán hoặc tiền ảo giả mạo, không được cấp phép. Đồng thời, thông qua Facebook, Telegram, Zalo… chúng giả danh là chuyên gia tài chính hoặc đại diện của các công ty môi giới uy tín, mời gọi nạn nhân vào các nhóm đầu tư và đưa ra các lời hứa về lợi nhuận cao. Sau khi thu hút được số tiền lớn từ các nhà đầu tư, các sàn giao dịch ảo sẽ đóng cửa hoặc biến mất, khiến các nhà đầu tư mất sạch tiền.
Để bảo vệ mình trước các hình thức lừa đảo đầu tư, người dân cần thận trọng khi tham gia vào bất kỳ sàn giao dịch nào. Hãy kiểm tra giấy phép hoạt động và thông tin về sàn giao dịch trước khi đầu tư. Chỉ nên giao dịch trên các sàn được cấp phép bởi cơ quan chức năng và không chia sẻ thông tin cá nhân cho bất kỳ ai. Nếu có nghi ngờ về việc bị lừa đảo, cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng.
Lừa đảo từ thiện, quyên góp sau bão Yagi
Bão số 3 (Yagi) đã gây ra mưa lớn, lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất tại các tỉnh phía Bắc. Sự khắc nghiệt của thiên tai này đã tạo cơ hội cho các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Chúng mạo danh các tổ chức từ thiện uy tín như Hội Chữ thập đỏ để kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt tiền của người dân. Những kẻ lừa đảo này sử dụng thông tin sai lệch và hình ảnh giả mạo, thường là các trang web hoặc tài khoản mạng xã hội được thiết kế để trông giống như của các tổ chức chính thống. Chúng đưa ra các lời kêu gọi quyên góp để hỗ trợ những gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai, nhưng thực chất chỉ nhằm mục đích chiếm đoạt tiền.
Để bảo vệ bản thân và đồng tiền của mình, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên xác minh kỹ lưỡng thông tin về tổ chức kêu gọi trước khi quyết định quyên góp. Các tổ chức từ thiện uy tín sẽ có thông tin liên lạc rõ ràng và minh bạch. Nếu có ý định hỗ trợ đồng bào vùng lũ, hãy chọn các đơn vị đã được công nhận và có hoạt động từ thiện rõ ràng.
Trong trường hợp phát hiện bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào liên quan đến quyên góp, người dân nên ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi lừa đảo kịp thời.
Tuần qua (9-15/9), lừa đảo gia tăng mạnh mẽ trong các lĩnh vực từ thiện, y tế, tài chính và công nghệ.
Mạo danh bác sĩ
Bên cạnh đó, có một hình thức lừa đảo khác đang gia tăng liên quan đến lĩnh vực làm đẹp và thẩm mỹ.
Các đối tượng lừa đảo đã mạo danh bác sĩ tại các bệnh viện uy tín như Bệnh viện Chợ Rẫy để chiếm đoạt tài sản của người dân.
Chúng tạo ra các trang mạng xã hội giả mạo với tên và hình ảnh của bác sĩ, thậm chí sử dụng hình ảnh của các khoa trong bệnh viện nhằm tạo lòng tin với "con mồi". Những trang giả mạo này thường cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh hoặc thẩm mỹ với giá ưu đãi, sau khi nhận tiền từ nạn nhân, chúng biến mất hoặc cung cấp dịch vụ kém chất lượng, gây nguy hại cho sức khỏe của người bệnh.
Để tránh rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo này, người dân cần cẩn trọng khi chọn các dịch vụ y tế hoặc thẩm mỹ qua mạng xã hội.Trước khi quyết định sử dụng dịch vụ, hãy kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế thông qua các nguồn tin chính thống hoặc website của cơ quan y tế uy tín. Chỉ nên đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế đã được cấp phép và có danh tiếng tốt. Nếu gặp phải tình huống nghi ngờ, cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để nhận được sự hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
Giả mạo thông tin xuất khẩu lao động Hàn Quốc
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo thường mạo danh công ty môi giới lao động hợp pháp bằng cách tạo website giả hoặc cung cấp giấy tờ giả. Tinh vi hơn, chúng tổ chức hội thảo và gặp gỡ tại các địa phương, hứa hẹn việc làm ở nước ngoài với mức thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt. Những kẻ lừa đảo đưa ra lời hứa về chi phí xuất khẩu lao động thấp hơn và thu nhập cao, rồi yêu cầu người lao động nộp một khoản tiền lớn cho thủ tục hoặc chi phí đầu vào trước khi ký hợp đồng chính thức. Sau khi nộp tiền, người lao động thường không thể liên lạc lại hoặc gặp phải công việc và thu nhập khác xa so với hứa hẹn ban đầu.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu kỹ về các chương trình xuất khẩu lao động qua các nguồn chính thống, như các cơ quan chính phủ, đại sứ quán, hoặc các tổ chức có uy tín. Tuyệt đối không tin vào các quảng cáo hay lời mời hứa hẹn hấp dẫn nhưng thiếu cơ sở pháp lý.
Lừa đảo qua Google Voice
Một hình thức lừa đảo mới đã xuất hiện tại Mỹ, đó là lừa đảo qua dịch vụ điện thoại Google Voice. Các đối tượng tìm cách chiếm quyền kiểm soát số điện thoại của nạn nhân qua tài khoản Google Voice, sau đó sử dụng số điện thoại này để thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp.
Chúng thường nhắm đến những người có nhu cầu mua bán hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội như Craigslist hoặc Facebook Marketplace. Sau khi chiếm được số điện thoại của nạn nhân, các đối tượng có thể theo dõi tin nhắn và cuộc gọi của nạn nhân.
Để phòng tránh hình thức lừa đảo này, người dân cần đề cao cảnh giác khi sử dụng Google Voice hoặc các ứng dụng VoIP khác. Tuyệt đối không cung cấp mã xác nhận hoặc thông tin cá nhân cho các đối tượng lạ. Nâng cao bảo mật bằng cách bật chế độ bảo mật 2 lớp và báo cáo ngay với bộ phận quản lý ứng dụng khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo.
Mạo danh CEO Tim Cook
Trong thời điểm Iphone 16 cũng như các sản phẩm công nghệ đến từ thương hiệu Apple được công bố, nhiều người dân Mỹ chia sẻ, họ bắt gặp những buổi livestream với nội dung kêu gọi đầu tư tiền ảo đến từ Tim Cook - Giám đốc của tập đoàn công nghệ Apple. Thực chất, đây là những video giả mạo, được làm ra với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng tạo video Deepfake giả mạo Tim Cook và livestream trên mạng xã hội với tiêu đề như “Tim Cook” và “Apple” để tăng độ tin cậy. Chúng hứa hẹn lợi nhuận cao từ các đợt khuyến mãi có thời hạn và yêu cầu người xem đầu tư tiền ảo như Bitcoin, Ether, Tether, hoặc Dogecoin. Sau khi nhận được tiền, chúng sẽ lập tức tắt livestream, xóa video và thông tin liên quan, khiến người đầu tư mất tiền.
Để phòng tránh rủi ro từ những video giả mạo này, người dân cần cẩn trọng với các lời mời gọi đầu tư và xác minh tính hợp pháp của các dự án đầu tư tiền điện tử qua các nguồn thông tin chính thống. Không cả tin vào các video hay bài đăng không rõ nguồn gốc và chỉ thực hiện giao dịch trên các nền tảng đã được xác thực và có danh tiếng tốt.