Một phụ nữ bị lừa 18 tỷ đồng vì "món quà tặng từ nước ngoài"
Tuy các đối tượng sử dụng những thủ đoạn "cũ rích" nhưng vẫn khiến nhiều người "sập bẫy" mất hàng tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 50 vụ lừa đảo trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 50 tỷ đồng. Đáng chú ý, tuy các đối tượng sử dụng những thủ đoạn "cũ rích" nhưng vẫn khiến nhiều người "sập bẫy" mất hàng tỷ đồng.
Người dân "sập bẫy" trước những thủ đoạn "cũ rích"
Vụ lừa đảo trên không gian mạng có số tiền lớn nhất tại tỉnh Gia Lai được ghi nhận là của bà H.T.S (ngụ tại TP. Pleiku, Gia Lai) với số tiền bị chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng. Bà S bị lừa qua hình thức nhận quà và ngoại tệ từ nước ngoài.
Liên quan đến vụ việc này, Công an tỉnh Gia Lai đã bắt giữ và khởi tố một số đối tượng, trong đó có cả người nước ngoài, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin tài khoản ngân hàng.
Một vụ lừa đảo khác trên không gian mạng cũng vừa xảy ra, nhắm vào nam giới. Anh T.V.P (ngụ tại TP. Pleiku, Gia Lai) đã bị lừa hơn 3 tỷ đồng khi tham gia vào ứng dụng "em út" trên mạng xã hội.
Ban đầu, anh P tải và cài đặt ứng dụng này về điện thoại vì tò mò. Sau khi cài đặt, một tài khoản trong nhóm hướng dẫn anh P lập tài khoản và nộp gần 1 triệu đồng vào số tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp. Tiếp đó, các đối tượng lại yêu cầu anh P nộp gần 15 triệu đồng vào thẻ VIP.
Khi anh P thực hiện nhiệm vụ và nạp số tiền lớn thì hệ thống thông báo “sai dữ liệu, tài khoản bị khóa”, thành viên phải nộp thêm tiền để phục hồi dữ liệu, mở khóa tài khoản. Tổng cộng, anh P đã chuyển khoản hơn 3 tỷ đồng cho các đối tượng lừa đảo nhưng không rút được tiền như đã cam kết, nên anh P phải trình báo cơ quan Công an.
Còn tại huyện Mang Yang (Gia Lai), cũng xảy ra trường hợp bà L.H.T.Y bị các đối tượng giả danh công an gọi điện lừa đảo và chiếm đoạt hơn 7,7 tỷ đồng.
Khuyến cáo từ cơ quan Công an
Hiện nay, nhiều người bị lừa đảo giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện hăm doạ để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Để người dùng dễ dàng “sập bẫy”, các đối tượng thực hiện các cuộc gọi lừa đảo chủ yếu đánh vào tâm lý sợ hãi của con người. Khi người dân lo sợ, chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng cung cấp thì chúng chiếm đoạt ngay lập tức.
Cơ quan Công an khuyến cáo, để tránh bị rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo, người dân không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa hiểu rõ nhau, luôn đặt mình vào vùng an toàn khi tham gia...
Đồng thời, cần cảnh giác với các ứng dụng lạ, đặc biệt là chiêu trò "nạp tiền để được nhận ưu đãi, hoa hồng", không đăng nhập các đường liên kết lạ, không cung cấp hoặc nhập tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã OTP, số tài khoản của mình vào trang web hoặc đường liên kết lạ…
Khi nghi ngờ là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khẩn trương liên hệ ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết.