Hà Nội: Thu giữ gần 1.000 đôi giày hàng hiệu sản xuất gia công
Ngày 18/1, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thông tin về quá trình phát hiện, thu giữ gần 1.000 đôi giày hàng hiệu sản xuất gia công chuẩn bị đem vào tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Lực lượng chức năng kiểm đếm số hàng hóa |
Theo đó, khoảng 14h ngày 17/1, Tổ tuần tra kiểm soát số 2, Phòng Cảnh sát giao thông mới được thành lập tăng cường bảo đảm an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán do Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 8 làm nhiệm vụ tại km213+350 quốc lộ 1A huyện Phú Xuyên (Hà Nội) xử lý hướng Cà Mau đi Lạng Sơn. Vào thời điểm trên, Tổ công tác do phát hiện 1 xe ô tô tải thùng kín biển kiểm soát 29H-561.64 có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành dừng xe kiểm soát.
Qua kiểm tra sơ bộ, trên xe chở nhiều bao tải bên trong là những đôi giày có nhãn mác, thương hiệu nước ngoài: Nike, Adidas, MLB, NY… Lái xe Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1994; ở phường Him Lam, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên) khai nhận lái thuê nhận hàng tại khu vực giáp Hà Nam để chở về trung tâm Hà Nội cho các chủ hàng tiêu thụ. Bước đầu, lái xe không xuất trình được bất kỳ giấy tờ nào liên quan nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa trên.
Nghi vấn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc được gia công tại một số làng nghề quanh khu vực, tổ công tác đã tiến hành bàn giao toàn bộ vụ việc cho Công an huyện Phú Xuyên tiếp tục làm rõ. Ngay sau đó, Công an huyện Phú Xuyên đã ra quyết định khám phương tiện và kiểm đếm xác định có 899 đôi giày mang nhãn mác nổi tiếng của nước ngoài, mẫu mã đang được thị trường yêu thích. Công an huyện Phú Xuyên đã tiến hành niêm phong và tiếp tục điều tra xử lý theo quy định.
Thu giữ gần 1.000 đôi giày hàng hiệu sản xuất gia công |
Liên quan đến thực trạng hàng giả, hàng nhái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ thường xuyên phối hợp với lực lượng công an, hải quan, thuế, sở, ban ngành các cấp để tổ chức các đợt truy quét, kiểm tra, xử lý nghiêm những đường dây, ổ nhóm, điểm tập kết lớn, những đơn vị, đầu nậu sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Cùng với đó, các đươn vị tập trung kiểm tra, kiểm soát những nhóm hàng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp có nguy cơ cao bị xâm phạm.
Cũng theo ông Dương Mạnh Hùng, một số cách có thể phân biệt hàng thật, hàng giả qua mẫu mã, bao bì sản phẩm hàng hóa như: Phân biệt qua tên nhãn hiệu, thương hiệu. Đối với hàng giả thì tên thương hiệu, logo thường không rõ nét...; có các vết xước trên bao bì, màu sắc cũ kỹ, nhòe màu, không thấy rõ ngày sản xuất, hạn dùng, thành phần, cách dùng; phân biệt qua mã vạch; phân biệt qua mã QR.
Ngoài ra, ông Dương Mạnh Hùng cũng khuyến cáo người dân nên mua hàng ở những đơn vị kinh doanh có thương hiệu, uy tín, có đầy đủ hóa đơn chứng từ, tem nhãn đúng quy định của pháp luật. Quan trọng hơn cả là người dân cần coi việc mua hàng thật, có nguồn gốc xuất xứ là đương nhiên, không tiếp tay cho các đối tượng sản xuất hàng giả, không rõ nguồn gốc.
Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, đặc điểm chung phổ biến của gian lận thương mại là các đối tượng đánh vào tâm lý thích mua hàng rẻ của người tiêu dùng để lập tài khoản ảo bán hàng với nội dung quảng cáo gian dối, thổi phồng chức năng, công dụng, chất lượng, giá bán của hàng hóa. Vì vậy, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến cáo người tiêu dùng cần chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng của bản thân để phòng tránh các nguy cơ lừa đảo.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch; cẩn trọng khi tiếp nhận các thông tin chào mời mua hàng giá rẻ hoặc nhận được hoa hồng từ việc mua hàng. Trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm, người tiêu dùng cần phản ánh tới cơ quan quản lý nhà nước hoặc tới cơ quan công an, đồng thời, chủ động chia sẻ thông tin để người thân, bạn bè biết và phòng tránh.