Vận may của Elon Musk kết thúc: Liên tục bòn rút tiền của Tesla vì món nợ khổng lồ, X có thể phá sản
Là người giàu thứ hai trên thế giới song Elon Musk lại ‘nghèo’ đi một cách đáng kinh ngạc.
Elon Musk lòng đang nóng như lửa đốt.
Từ năm 2019 đến năm 2022, gần như mọi canh bạc người đàn ông này đặt cược đều ‘hái trái ngọt’. Tesla liên tục có lãi, trong khi cổ phiếu hãng này tăng phi mã sau thông tin nhà máy khổng lồ tại Thượng Hải tăng cường công suất hoạt động. SpaceX thì thu hút được đông đảo sự chú ý của công chúng, ngay cả khi tên lửa thử nghiệm nổ tung sau nhiều lần phóng trượt. Năm 2021, Musk thậm chí còn được Tạp chí Time vinh danh là nhân vật của năm.
Tuy nhiên, thái độ tự mãn sau đó đã đẩy vận may của Musk đi quá xa. Và BÙM! Đế chế của ông đang gặp rắc rối.
Điều này thể hiện khá rõ ràng tại Hội nghị giao dịch New York Times hồi tuần trước, khi vị tỷ phú tỏ ra bối rối trước những loạt câu hỏi quan trọng về tương lai Tesla, SpaceX, X… Musk cũng không đưa ra bất kỳ lời xin lỗi về những phát ngôn ‘kém duyên’ của mình trên mạng xã hội.
Hiện Musk phải đối mặt với khoản nợ hơn 13 tỷ USD đè nặng lên Twitter. Lợi nhuận Tesla cũng sụt giảm do nhu cầu không đủ lực.
Quay lại năm 2018 - thời điểm kinh hoàng đầu tiên của Musk khi ông đặt cược tương lai của Tesla vào Model 3. Với mức giá khởi điểm dự kiến 30.000 USD, chiếc xe được cho là có thể giúp những tài xế thu nhập thấp nhất cũng có thể tiếp cận xe điện. Tuy nhiên, đến tận thời điểm hiện tại, chúng vẫn mắc kẹt trong cái mà Musk gọi là “địa ngục sản xuất”.
Áp lực phải đưa Model 3 ra thị trường đè nặng lên Musk. Trong cuộc họp báo cáo thu nhập quý đầu tiên của Tesla, ông thậm chí còn cắt ngang câu hỏi tài chính cơ bản của một nhà phân tích, cho rằng “chúng nhàm chán, ngu ngốc và chẳng hay ho chút nào”.
Thời điểm này, Musk hoạt động tích cực trên Twitter (tên nền tảng X trước đây), song sức ảnh hưởng không mấy tốt đẹp. Việc có những phát ngôn ngông cuồng, ngạo mạn đã khiến hình ảnh vị tỷ phú xấu đi.
Vào năm 2019, khi các giám đốc điều hành rời bỏ Tesla còn công ty tiếp tục thua lỗ, Musk đạt được thỏa thuận xây dựng siêu nhà máy ở Thượng Hải và điều này giúp hãng xe vốn ‘ngắc ngoải’ được cứu sống. Nếu không có Trung Quốc, Tesla khó có thể trở thành một “công ty ô tô thực sự”.
Năm 2022 đánh dấu thương vụ tỷ USD giữa Elon Musk và Twitter. Vị tỷ phú đã không lãng phí bất kỳ giây phút nào kể từ khi thâu tóm mạng xã hội với giá 44 tỷ USD: sa thải hầu hết các lãnh đạo cấp cao, một nửa nhân sự Twitter, đồng thời chấm dứt chính sách làm việc từ xa, buộc nhân viên quay trở lại văn phòng.
Động thái nhằm xử lý các hóa đơn cần phải trả, song theo các chuyên gia, tình hình sẽ trở nên khó khăn hơn do lãi suất một số khoản nợ không bị ràng buộc và sẽ tăng theo thị trường chung. Việc Twitter không có lãi kể từ 2019, cộng thêm tình hình kinh doanh không mấy khả quan trong năm kinh tế suy thoái càng khiến công ty này chật vật.
“Một năm đã kết thúc. Lượng tiền mặt của Twitter có thể sắp cạn”, một chuyên gia nhận định.
Rắc rối xoay quanh X đang đe dọa toàn bộ đế chế kinh doanh. Là người giàu thứ hai trên thế giới song Musk lại ‘nghèo’ đi một cách đáng kinh ngạc. Nếu cổ phiếu Tesla giảm xuống dưới một mức nhất định, ngân hàng có thể thu hồi các khoản vay cá nhân và điều này sẽ càng khiến Musk thêm khốn đốn.
Thời điểm thiếu tiền nhất, Musk đã vay SpaceX - công ty tư nhân thua lỗ tổng cộng 1,5 tỷ USD vào năm 2021 và 2022. Người đàn ông này cũng bán cổ phiếu Tesla nhằm tài trợ cho thương vụ thâu tóm.
“Musk đang chấp nhận rủi ro bằng cách sử dụng cổ phiếu Tesla làm tài sản thế chấp. Việc cổ phiếu nhà sản xuất ô tô điện này đột ngột sụt giảm sẽ gây ra nhiều sự khó chịu cho thị trường”, Russ Mold, chuyên gia AJ Bell nhận định.
Việc FED tăng lãi suất trong nỗ lực chống lạm phát đang gián tiếp khiến các khoản nợ phải trả của Musk ‘phình to’. Triển vọng kinh doanh của Tesla cũng không giúp ích được gì nhiều cho ‘gã khổng lồ’ mạnh miệng.
Thậm chí, theo tờ Fortune, hãng xe điện lớn nhất nước Mỹ này còn đang hiện nguyên hình là một thương hiệu khó chào bán sản phẩm và ngày càng xói mòn vào tỷ suất lợi nhuận. “Họ chẳng phải là một hãng công nghệ như những gì Apple đã làm trên thị trường điện thoại”.
Rõ ràng, nhà đầu tư đã bị thao túng khi đổ tiền cho Tesla với kỳ vọng công ty này tăng trưởng bùng nổ như một hãng công nghệ. Điều này khiến những lời hứa của Elon Musk về chiếc xe điện bán tải Cybertruck hay ngành taxi điện lái tự động dù đẹp đẽ nhưng chẳng còn thu hút như trước.
Theo các chuyên gia, Musk sẽ tiếp tục ‘bòn rút’ tiền từ Tesla theo những cách khó hiểu. Chỉ là không ai biết chính xác hãng này có bao nhiêu tiền để bòn và Musk sẽ làm điều đó trong bao lâu. Có những khoản tiền đi và không bao giờ quay trở lại.
Phố Wall chắc chắn sẽ cảm thấy xấu hổ. Theo báo cáo, các ngân hàng nắm giữ khoản nợ của Twitter dự kiến sẽ thiệt hại 2 tỷ USD. X/Twitter chính là mớ hỗn độn và hãng có thể phá sản bất cứ lúc nào nếu Musk không thể cầm cự, theo Vicki Bryan, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Bond Angle.
Theo: BI, Bloomberg