Sếp VNG: Doanh thu ngành game Việt Nam đã lên tới 'tỷ đô', vượt xa con số thống kê 500 triệu USD
Theo ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến Công ty Cổ phần VNG, tại thị trường Việt Nam, doanh thu năm 2022 được một báo cáo cho rằng đã đạt 500 triệu USD. Con số này chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”.
Chia sẻ tại "Diễn đàn ngành game quốc gia 2023", sáng 31/10 trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023), ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến Công ty Cổ phần VNG cho rằng, trên thế giới hiện nay có khoảng 3 tỷ người chơi game, chiếm 40% tổng dân số toàn cầu. Doanh thu từ ngành game trong năm 2023 được dự báo đạt mốc 187 tỷ USD, trong đó 1 nửa đến từ game mobile.
Sự phát triển của ngành game hiện nay đang gắn liền với sự phát triển của các thiết bị di động, nhất là mảng điện thoại thông minh. Châu Á là khu vực đóng góp 1 nửa số người chơi game và cả doanh thu. Hàn Quốc là một “cường quốc” về ngành game, doanh thu từ game cao gấp 40 lần so với K-pop và gấp 6 lần so với ngành điện ảnh của nước này.
Trong khi đó, nếu xét về khu vực, Đông Nam Á là một thị trường quan trọng, có tốc độ tăng trưởng ngành game cao hàng đầu thế giới, chỉ sau khu vực Trung Đông.
“Việc Trung Đông là khu vực có tốc độ tăng trưởng game nhanh nhất thế giới có vẻ hơi lạ, nhưng không phải là không có lý do. Trước đó, giới chức của một số nước Ả Rập, như Ả Rập Xê Út đã khẳng định, ngành game sẽ là ngành mũi nhọn của nước này, sẽ thay thế dầu mỏ trong tương lai. Vì vậy, quốc gia này đã có nhiều chính sách ưu đãi nhằm phát triển ngành nghề này”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, với riêng thị trường Việt Nam, doanh thu năm 2022 được một báo cáo cho rằng đã đạt 500 triệu USD. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định con số này chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”. Trên thực tế, nếu cộng gộp cả một số loại hình thanh toán, thì doanh thu ngành game có thể vượt qua con số 1 tỷ USD.
Điều này cho thấy rằng, không chỉ thế giới, và cả Việt Nam đang nằm trong xu hướng phát triển chung của ngành game. Tuy nhiên, dù ngành game có nhiều triển vọng tăng trưởng nhưng vẫn chưa được quan tâm về cả mặt chính sách và pháp lý.
“Nhiều người nói rằng, muốn ngành game Việt Nam phát triển cần có các chính sách ưu đãi về thuế, hay có thêm giải pháp hỗ trợ. Điều này chỉ đúng một phần. Thực tế, chúng tôi muốn được cơ quan chức năng Việt Nam coi game là một ngành nghề trong xã hội.
Hiện nay, chỉ có 2 trường đại học quốc tế tại Việt Nam có ngành thiết kế game. Đa phần, các trường trong nước có một số ngành có liên quan tới game như thiết kế đồ họa, hoặc lập trình. Ngay cả các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có quy định về riêng ngành thiết kế và phát triển game, điều này đang cản trở triển vọng phát triển của loại ngành nghề này”, ông Thắng nói.
Các diễn giả tham gia "Diễn đàn ngành game quốc gia 2023".
Thế giới sẽ ngày càng thừa nhận game là một ngành nghề, thậm chí là một nghề nghiệp, môn thể thao trên nền tảng điện tử. Hiện tại, thể thao điện tử đã được tổ chức ở một số sự kiện của Olympic, trong thời gian tới có thể có cả giải World Cup, hay trong các kỳ thế vận hội.
Việt Nam đang cần chừng 30.000 lao động cho ngành game, đây cũng là cơ hội cho các bạn trẻ, nhất là thế hệ GenZ. Một số bộ, ngành đã có tín hiệu tích cực trong việc hỗ trợ ngành game Việt Nam phát triển. Đây chính là nguồn động viên giúp các doanh nghiệp startup Việt Nam trở thành kỳ lân trong lĩnh vực game.
Đồng tình với nhận định này, ông Jin Oh - đại diện Quỹ đầu tư Bikraft cho rằng, thị trường game đang có doanh thu khoảng 200 tỷ USD, xu hướng chơi game hướng đến nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau. Đặc biệt, các nền tảng chơi game hiện nay không chỉ đơn giản là chơi các loại game, mà nó còn tích hợp việc xem phim, tương tác với bạn về. Đồng thời, ngành game cập nhật rất nhanh các công nghệ mới của thế giới, như AI, thực tế ảo, Blockchain...
“Nhờ đó, doanh thu của các công ty game không hề thua kém các công ty công nghệ. Đây chính là cơ hội và triển vọng trong tương lai Việt Nam có thể hưởng tới”, ông Jin Oh nói.