Ninh Bình: Phân công nhiệm vụ của Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
Để điều hành hoạt động của tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập, UBND tỉnh này vừa phân công nhiệm vụ cụ thể cho Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Theo đó, tỉnh Ninh Bình sau sáp nhập có Chủ tịch UBND tỉnh là ông Phạm Quang Ngọc và 5 Phó Chủ tịch. Ông Phạm Quang Ngọc sẽ lãnh đạo, quản lý toàn diện mọi hoạt động của UBND tỉnh. Chủ tịch sẽ triệu tập, chủ tọa các phiên họp của UBND tỉnh, ký các văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ông Ngọc sẽ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, định hướng sử dụng ngân sách địa phương, công tác tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, thanh tra, công an, quân sự, quốc phòng địa phương và các công việc lớn, quan trọng, có tính chất chiến lược dài hạn, các vấn đề mới, đột xuất trên thực tiễn các lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh.
Ngoài ra, ông Phạm Quang ngọc sẽ trực tiếp phụ trách Sở Tài chính, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng một số xã, phường.
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc và Đoàn công tác kiểm tra tại Khu công nghiệp Hải Long (VSIP Nam Định), xã Giao Hưng. Ảnh: BNB
Ông Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình sẽ thay mặt Chủ tịch UBND tỉnh điều hành công việc khi chủ tịch vắng mặt. Ông được phân công trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực tài chính, ngân sách, thuế, hải quan, kho bạc, ngân hàng; văn hóa, thể thao, truyền thông, báo chí, phát thanh và truyền hình; du lịch; đối ngoại. Phó Chủ tịch Thường trực cũng phụ trách công tác xác định giá đất tại 39 xã, phường.
Ông Tùng cũng được giao phụ trách Văn phòng UBND tỉnh, Sở Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp tỉnh Ninh Bình, các doanh nghiệp Nhà nước cùng một số xã, phường.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Nguyễn Anh Chức trực tiếp chỉ đạo lĩnh vực nội vụ (bao gồm công tác tổ chức cán bộ, công chức, viên chức, cải cách hành chính), lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, người có công, công tác dân tộc, tôn giáo; tư pháp; tài nguyên, môi trường, biến đổi khí hậu; thu hút đầu tư vào Khu Đại học Nam Cao, Khu công nghệ cao Hà Nam; phụ trách công tác xác định giá đất tại 33 xã, phường;
Đồng thời phụ trách các Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu Đại học Nam Cao và Khu công nghệ cao Hà Nam, các Ban Quản lý dự án phát triển đô thị, một số xã, phường.
Trưởng Ban Tổ chức trung ương Lê Minh Hưng trao quyết định cho Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình tại buổi lễ công bố hợp nhất 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Ảnh: Thái Bá
Phó Chủ tịch Trần Anh Dũng trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực xây dựng, kiến trúc, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn, nhà ở, thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng; nông nghiệp và phát triển nông thôn; phụ trách công tác xác định giá đất tại 57 xã, phường; đồng thời phụ trách Sở Xây dựng, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Nam Định, Ban Quản lý dự án xây dựng chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Nam Định, một số xã, phường.
Phó Chủ tịch Nguyễn Cao Sơn trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực giao thông vận tải; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại, quản lý thị trường; phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Đồng thời phụ trách Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Ninh Bình cùng một số xã, phường.
Phó Chủ tịch Hà Lan Anh trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực y tế; giáo dục và đào tạo; khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Đây là Phó Chủ tịch được giao phụ trách Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Hoa Lư, Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, Trung tâm Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nam Định, một số xã, phường.
Sáng 30/6, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Ninh Bình, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình long trọng tổ chức Lễ công bố Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Theo đó, Quốc hội quyết nghị sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình thành tỉnh mới có tên gọi là tỉnh Ninh Bình. Sau sắp xếp tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên 3.942,6 km2, quy mô dân số 4.412.264 người. Sau sắp xếp tỉnh Ninh Bình có 129 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 97 xã và 32 phường.