Nhân lực: 'Chìa khóa' thành công trong phát triển điện hạt nhân
Nguồn nhân lực là "chìa khóa" thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này cần chuẩn bị kỹ lưỡng.
Việt Nam đang ghi tên mình vào bản đồ điện hạt nhân thế giới
Theo các chuyên gia của Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh, các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, vì vậy, các quốc gia trên thế giới đã tìm kiếm các nguồn năng lượng mới thay thế bao gồm năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Lê Thị Hồng Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: Cấn Dũng |
Một trong những nguồn năng lượng sạch được các quốc gia hàng đầu trên thế giới xây dựng và sử dụng là năng lượng điện hạt nhân. Tính đến thời điểm hiện tại, các nhà máy điện hạt nhân trên toàn thế giới cung cấp khoảng 375.320 MW. Các quốc gia vẫn không ngừng xây dựng và phát triển nguồn năng lượng này theo các công nghệ mới, hiện đại đảm bảo an ninh an toàn ở mức độ cao nhất.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Ngày 31/11/2024 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung đáng chú ý tại nghị quyết là Quốc hội đã đồng ý tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sau 8 năm tạm dừng (11/2016). Với việc tiếp tục thực hiện dự án, Việt Nam đang ghi tên mình vào bản đồ điện hạt nhân của thế giới.
Theo số liệu thống kê, hiện tại trên thế giới có 417 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành, 23 nhà máy đang dừng hoạt động, 63 nhà máy đang được xây dựng. Với việc xây dựng 2 nhà máy tại Ninh Thuận, Việt Nam là quốc gia tiên phong ở Đông Nam Á về lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
Song để hoàn thành dự án, triển khai xây dựng, vận hành, bảo trì... đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ, ngành với rất nhiều nguồn lực từ tài chính, công nghệ cho đến nhân sự. Vấn đề quản trị dự án để đảm bảo tính hiệu quả, tiến độ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị, cá nhân liên quan và việc vận hành, bảo trì nhà máy đòi hỏi đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp được đào tạo bài bản trong và ngoài nước.
Để quản lý và vận hành hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, với công suất điện khoảng 4.000 MW thì cần khoảng 1.600 nhân sự, trong đó khoảng 40% có trình độ đại học và trên đại học, 40% có trình độ cao đẳng/ trung cấp nghề, 20% lao động phổ thông.
Đây là một lực lượng lao động không nhỏ, thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành khác nhau và yêu cầu về trình độ cũng khác nhau, từ kỹ sư cao cấp đến kỹ thuật viên, nhân viên hành chính, nhân viên an ninh, đội ngũ phòng cháy chữa cháy và phòng chống sự cố tại chỗ…
"Chìa khóa" thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân
Tại Hội nghị “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân” diễn ra sáng 2/1, Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Lê Thị Hồng Ánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, nguồn nhân lực là "chìa khóa" thành công của chương trình phát triển điện hạt nhân quốc gia, việc đào tạo nguồn nhân lực cho điện hạt nhân cần có sự chuẩn bị hàng chục năm, hoặc hơn trước khi đưa nhà máy điện hạt nhân được đưa vào vận hành.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Ánh, các ngành đào tạo có liên quan đến giai đoạn dự án, xây dựng nhà máy, vận hành nhà máy gồm khối kinh tế (quản lý dự án, quản lý công nghiệp), khối kỹ thuật (điện, cơ khí, tự động hoá, công nghệ thông tin...).
Song song với việc xây dựng chương trình đào tạo chính quy trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ để đáp ứng nguồn nhân lực tương lai, cần chú trọng cả các chương trình ngắn hạn cho đối tượng giảng viên và người đã tốt nghiệp các chương trình chính quy. Các chương trình đào tạo cần tích hợp kiến thức chuyên ngành, liên ngành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát để ban hành chuẩn chương trình đào tạo khối ngành kỹ thuật - công nghệ. "Để có sự đồng bộ trong hoạt động đào tạo đối với các trường thuộc Bộ Công Thương và ngoài Bộ Công Thương, đề nghị Bộ Công Thương chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các nội dung có liên quan điện hạt nhân và lượng tử vào chuẩn chương trình đào tạo các ngành đào tạo có liên quan đến những vị trí nhân lực cần thiết trong 1 nhà máy điện hạt nhân, từ giai đoạn quản lý dự án, xây dựng nhà máy đến giai đoạn vận hành nhà máy" - PGS.TS Lê Thị Hồng Ánh đề xuất.
Bên cạnh đó, có chương trình dùng chung và phát huy nguồn lực cơ sở vật chất và nhân lực đối với các trường trong và ngoài Bộ Công Thương. Đồng thời, Bộ Công Thương cần tạo điều kiện để triển khai các đề tài khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quản lý dự án, vận hành nhà máy điện hạt nhân, trong đó ưu tiên các dự án có yếu tố kết hợp với trường, viện, nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm từ nước ngoài.
Ông Nguyễn Hồng Vũ, Viện trưởng Viện chuyển đổi số, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh - Ảnh: Cấn Dũng |
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Hồng Vũ -Viện trưởng Viện chuyển đổi số, Trường Đại học Công Thương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, các chuyên ngành làm nhiệm vụ vận hành nhà máy điện hạt nhân và các hệ thống công nghệ chính của nhà máy điện hạt nhân gồm vật lý hạt nhân, điện tử hạt nhân, cơ học chất lỏng, cơ học chất rắn, điện tử tự động hóa, công nghệ thông tin, hóa phóng xạ, hóa học nước, cơ khí chế tạo máy, vật liệu, điện công nghiệp, môi trường, quản lý dự án, kinh tế, luật,…
Về cơ bản, các tổ máy điện hạt nhân thế hệ III+ hiện nay hoạt động chủ yếu ở chế độ tự động với khoảng 2.000 thông số cần kiểm soát đưa đến trung tâm điều khiển để xử lý, chỉ thị và thừa hành, đồng thời vẫn duy trì chế độ điều khiển tại chỗ các thiết bị với mục đích kiểm tra, bảo dưỡng, thử nghiệm tại chỗ,… Vì vậy, nhân lực về các chuyên ngành tự động hóa/ công nghệ thông tin là rất cần thiết.
Đề xuất định hướng đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu vận hành nhà máy điện hạt nhân, ông Nguyễn Hồng Vũ nêu, trước tiên, khoa công nghệ thông tin cần xây dựng chương trình đào tạo đặc thù phục vụ nhu cầu vận hành nhà máy điện hạt nhân cũng như quản lý và vận hành toàn bộ hạ tầng công nghệ thông tin của nhà máy. Nội dung chương trình dự kiến sẽ bao gồm 3 khối kiến thức: Khối kiến thức chung và chuyên sâu về công nghệ thông tin, khối kiến thức đặc thù phục vụ quản lý và vận hành công nghệ thông tin của nhà máy, khối kiến thức đặc thù phục vụ vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Đối với khối kiến thức chung và chuyên sâu về công nghệ thông tin sử dụng như chương trình hiện tại, thay thế và bổ sung một số môn học tùy chọn là các môn học đặc thù.
Đối với khối kiến thức đặc thù phục vụ quản lý và vận hành công nghệ thông tin của nhà máy bố trí theo dạng các môn học tùy chọn. Tùy theo nhu cầu của người học và vị trí ứng tuyển dự kiến sẽ lựa chọn các môn học phù hợp. Danh sách các môn học đặc thù dự kiến bao gồm: chuyên đề mạng, chuyên đề quản trị hệ thống, chuyên đề quản trị cơ sở dữ liệu, chuyên đề an toàn an ninh mạng và hệ thống, chuyên đề tấn công và phòng thủ, chuyên đề an toàn mạng không dây và di động, chuyên đề bảo mật cho IOT, chuyên đề phân tích và khai thác dữ liệu, chuyên đề bảo mật hệ thống thông tin, chuyên đề giám sát và ứng cứu sự cố an toàn thông tin.
Đối với khối kiến thức đặc thù phục vụ vận hành nhà máy điện hạt nhân bao gồm: kiến thức về công nghệ và hệ thống vận hành nhà máy điện hạt nhân, mô phỏng vận hành nhà máy điện hạt nhân, cơ bản về điện hạt nhân, quy trình vận hành nhà máy điện hạt nhân, kiến thức quy định về an toàn hạt nhân, luật và các vấn đề pháp lý liên quan đến nhà máy điện hạt nhân,... Với khối kiến thức này có thể triển khai phối hợp với đối tác cung cấp nhà máy điện hạt nhân hoặc gởi sinh viên thực tập ở các trường nước ngoài, các nhà máy điện hạt nhân của các nước bán nhà máy cho chúng ta.
"Việc đào tạo nhân lực khoa học và công nghệ lĩnh vực công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu quản lý dự án, vận hành nhà máy điện hạt nhân mang tính đặc thù, chuyên biệt. Vì vậy, để đảm bảo chương trình được xây dựng và triển khai hiệu quả cần có sự hỗ trợ về chính sách của cơ quan chủ quản đối với cơ sở giáo dục đào tạo cũng như quyền lợi và nghĩa vụ của học viên được tuyển chọn tham gia chương trình đào tạo này" - ông Nguyễn Hồng Vũ đề nghị.
Với nhân sự về công nghệ thông tin, bên cạnh kiến thức chuyên môn, các nhân sự này cần phải được đào tạo các kiến thức chuyên sâu về vận hành nhà máy điện hạt nhân cũng như những kiến thức liên quan khác để đảm bảo công việc được vận hành xuyên suốt. |