Làn sóng sa thải nhân sự của các startup vì cạn vốn
Đua nhau mở rộng vì sợ bị vượt mặt, các hãng công nghệ giờ đây đang phải sa thải hàng loạt để tiết kiệm chi phí.
Theo tờ CNA, hàng loạt startup sau quãng thời gian bùng nổ thì nay đang phải tự siết lại bản thân vì cạn vốn. Hệ quả là hàng loạt vụ sa thải diễn ra trong giới công nghệ, làm dấy lên những đồn đoán về thời hoàng kim của các startup đã qua.
Tại Mỹ, hơn 35.000 lao động ngành công nghệ đã bị sa thải trong 6 tháng đầu năm 2022. Mặc dù con số này chẳng đáng là bao so với tổng nhân lực toàn ngành nhưng chúng cho thấy dấu hiệu đáng báo động.
Hàng loạt những tên tuổi lớn trong ngành như Netflix, Paypal, Coinbase hay Sea Limited-công ty mẹ của Shopee, đều sa thải hàng loạt nhân viên. Thậm chí đến Tesla của tỷ phú Elon Musk cũng không tránh khỏi làn sóng tiết kiệm chi phí nhân lực này.
Tại Singapore, Shopee đã sa thải một số nhân viên của đội phụ trách giao hàng cũng như thanh toán trực tuyến trên toàn Đông Nam Á. Họ cũng cắt giảm nhân sự hàng loạt ở Mexico, Argentina, Chile cũng như các đội hỗ trợ cho những thị trường nói tiếng Tây Ban Nha.
Đã có thời điểm công ty mẹ Sea Limited của Shopee là một trong những startup thành công nhất Đông Nam Á, thế nhưng giờ đây đà bán tháo của ngành công nghệ khiến họ gặp nhiều khó khăn hơn. Trong vài tháng trở lại đây, Shopee đã phải rút toàn bộ hoạt động tại Ấn Độ, Pháp cũng như hủy bỏ kế hoạch thử nghiệm triển khai ở Tây Ban Nha.
Trong khi đó, sàn Crypto.com cũng cắt giảm 5% lực lượng lao động do tiền số lao dốc. Công ty đầu tư robot Stashaway cũng sa thải hàng loạt nhân viên tại 5 thị trường với lời cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tương tự, Tesla cũng đã sa thải quản lý Christopher Bousigues tại Singapore sau khi Elon Musk cảnh báo sẽ cắt giảm 10% nhân sự vì lo sợ suy thoái kinh tế. Hiện vị trí của ông Bousigues vẫn chưa được tuyển lại.
Vậy chuyện gì đang diễn ra? Tại sao ngành công nghệ lại đang gặp khủng hoảng nặng nề như vậy khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại hậu đại dịch?
Quá nhiều tiền
Theo tờ CNA, ngành công nghệ đã có quãng thời gian bùng nổ khi đại dịch Covid-19 lây lan mạnh. Việc người dân phải ở nhà phụ thuộc nhiều hơn vào công nghệ và chính phủ tung hàng nghìn tỷ USD ra thị trường đã thúc đẩy đà tăng trưởng này.
Giá trị tài sản của các startup đi lên trong khi chi phí vay vốn khá rẻ đã khiến ngay cả thị trường tiền số cũng bùng nổ theo. Thế rồi hàng loạt hãng công nghệ ở Đông Nam Á phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) để rồi nhận được lượng vốn nhàn rỗi lớn từ thị trường.
Tuy nhiên bữa tiệc nào rồi cũng phải tàn, cuộc xung đột Ukraine cùng với hàng loạt bất ổn, từ đứt gãy chuỗi cung ứng đến lạm phát gia tăng, mất an ninh lương thực... đã khiến hàng loạt ngân hàng trung ương siết chặt chính sách tiền tệ.
Tỷ lệ lạm phát tại nhiều nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh lên mức cao nhất 40 năm, trong khi Châu Âu chật vật đối phó với giá khí đốt và lương thực leo thang. Hệ quả là Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải nâng lãi suất lần thứ 3 trong năm nay với mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1994. Chính phủ các nước cũng hút dần tiền từ thị trường về nhằm chống lạm phát khi nhiều ngân hàng trung ương đồng loạt nâng lãi suất.
Những động thái đảo chiều này khiến chi phí vay vốn không còn rẻ nữa và nhà đầu tư cũng cẩn trọng và đòi hỏi nhiều hơn với các startup. Thị trường chứng khoán cũng giảm điểm khi nguồn vốn bị thắt chặt và những hãng công nghệ vốn được thổi phồng trong mùa dịch này phải chịu trận.
"Lên voi xuống hố"
Trong thời kỳ đại dịch, do chi phí vay vốn thấp cùng nguồn tiền dồi dào nên nhiều hãng công nghệ đã chấp nhận đốt tiền đổi tăng trưởng thay vì chú ý đến hiệu quả thực sự. Hàng loạt startup hướng đến việc mở rộng chi nhánh thay vì xem xét lợi ích tương xứng mang lại.
Để có thể mở rộng đủ nhanh, nhiều công ty đã tung ra mức lương thưởng hậu hĩnh nhằm thu hút nhân lực. Điều trớ trêu là rất nhiều lao động hậu đại dịch lại chẳng muốn đi làm sau quãng thời gian dài ở nhà, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng hơn.
Nhân sự ngành công nghệ đang gặp nhiều biến động
Những công ty như Twitter phải chiều lòng nhân viên bằng chính sách khuyến khích làm việc tại gia, Google thì cho phép thêm ngày nghỉ còn Amazon thì tăng tiền trợ cấp chăm sóc con cái cho nhân viên.
Vậy nhưng khi nền kinh tế vĩ mô gặp bất ổn, liên tiếp những tín hiệu xấu xuất hiện ngay sau đó. Những startup thành công từ Zoom đến Netflix đều công bố tăng trưởng thấp hơn dự đoán và ngay lập tức thị trường có phản ứng.
Khi nhà đầu tư cẩn trọng hơn và nguồn vốn bị siết, các hãng công nghệ phải chuyển mình sang giai đoạn tiết kiệm, cân nhắc hiệu quả trên hết thay vì mở rộng hoang phí như trước đây. Ví dụ như Shopee đã phải rút khỏi các thị trường Ấn Độ, Pháp hay Tây Ban Nha sau khi thử nghiệm không thành công.
Tại Châu Á, các quỹ đầu tư bắt đầu siết chặt quản lý và hệ quả là nhiều startup buộc phải đóng cửa do không đáp ứng được yêu cầu.
"Khi thị trường bùng nổ nhờ nguồn vốn rẻ, mọi người đua nhau mở rộng vì nếu không sẽ bị đối thủ vượt mặt. Thế nhưng khi mọi chuyển đổi hướng, nhiều công ty buộc phải sa thải nhân viên để có thể giữ được đà tăng trưởng đã cam kết", giám đốc vận hành Yorlin Ng của Momentum Works nhận định.
Tuy nhiên cũng theo bà Yorlin, việc các lao động ngành công nghệ bị sa thải chưa chắc đã là điều tồi tệ với xã hội bởi họ có cơ hội khởi nghiệp riêng hoặc gia nhập những ngành nghề mới để thúc đẩy tiến trình phát triển.
"Vẫn còn nhiều công việc khan hiếm lao động nhưng kỹ sư phần mềm, chuyên viên phân tích số liệu...Thế rồi nhiều công ty với nguồn vốn lớn cũng sẽ tận dụng cơ hội này để thu hút nhân tài về cho họ. Điều quan trọng là mọi người phải thích nghi được với sự thay đổi liên tục của ngành công nghệ", bà Yorlin nhấn mạnh.
*Nguồn: CNA, Bloomberg