Hiện trạng hụt nhân lực và góc nhìn từ các nhà tuyển dụng
Câu chuyện tại sao bây giờ nhân sự trẻ làm việc gì cũng kén chọn mức thù lao thu hút sự tò mò, quan tâm của nhiều người.
Vấn đề giới trẻ thất nghiệp chỉ vì "chê" lương thấp trong bối cảnh thị trường Việt Nam đang đòi hỏi nguồn nhân lực "khủng" là câu chuyện khá khó hiểu đối với nhiều người.
Theo nhiều bộ phận tuyển dụng chia sẻ, nhiều bạn trẻ hiện nay lại rơi vào tình trạng thất nghiệp chỉ vì đi phỏng vấn ở đâu cũng không thỏa thuận được mức lương như ý. Điều này khiến không ít người thắc mắc rằng: "Tại sao người trẻ bây giờ làm gì cũng chê lương thấp?".
Đề cao bằng cấp
Chị Mỹ Dung (30 tuổi, làm vị trí tuyển dụng nhân sự gần 7 năm) cho biết: "Những năm gần đây, thị trường lao động Việt Nam khá phát triển. Công ty của chị hiện nay tuyển nhân sự nhiều gấp đôi so với ngày trước. Tuy nhiên, số lượng bạn trẻ gắn bó với công ty sau khi đậu phỏng vấn lại rất thấp. Hầu hết các bạn đều không đồng ý với mức lương thỏa thuận vì cho rằng chúng thấp hơn so với bằng cấp của các bạn, đặc biệt là các bạn du học sinh về nước.
Chị từng phỏng vấn một bạn du học sinh về nước và bị bất ngờ với con số mà bạn đề nghị. Bạn cho rằng mức đó mới xứng với kiến thức mà bạn đang có. Nhưng con số này cao hơn rất nhiều lần so với lương khởi điểm ở Việt Nam. Sau khi thỏa thuận thì bạn quyết định không nhận việc vì 'chê' lương thấp. Có lẽ, việc quá tự tin vào bằng cấp và cứ chăm chăm lấy chúng ra làm chuẩn mực để deal lương cũng là một trong số những lý do dẫn đến 'nạn' thất nghiệp ở một số bộ phận giới trẻ hiện nay".
Ảnh minh hoạ - Nguồn: pexels
Chị Phương Thanh chia sẻ: "Cá nhân mình thì chuyện bằng cấp không quan trọng lắm, vì thực tế mình chưa tốt nghiệp Đại học, và hiện là quản lý Marketing cho một công ty nước ngoài. Mình đã từng phỏng vấn các bạn trẻ đòi mức lương 'lệch', nếu các bạn trẻ quá chú trọng vào chuyện mình có bằng Đại học, có văn bằng hai, có các chứng chỉ ngoại ngữ đầy đủ... nên phải được trả mức lương cao hơn mặt bằng chung lương ra trường thì đôi khi lại không hợp lý. Mức lương xét trên phương diện bạn cống hiến được gì cho công ty, mà chuyện này còn dựa vào kinh nghiệm, kĩ năng thực chiến".
Xem trọng năng lực, xem nhẹ kinh nghiệm
Mức lương được "chấm" dựa trên cả bảng điểm năng lực và kinh nghiệm, thế nhưng một số bạn trẻ xin việc khá tin vào năng lực của mình, và dùng nó làm vốn để thoả thuận lương mà quên mất rằng kinh nghiệm cũng rất quan trọng.
Hoàng Phương
Anh Hoàng Luân, 24 tuổi: "Khi mới đi làm mình deal lương theo dạng nhìn vào mô tả công việc của vị trí đó, tự lượng xem mình có thực hiện tốt được các đầu việc đó hay không, nếu nó khá dễ và hoàn toàn tự tin thì mình sẽ đưa ra một con số khá cao. Thế nhưng sau khi thử việc hai tháng, có khá nhiều vấn đề phát sinh cần phải có kinh nghiệm thì mới xử lý tốt được, mình lại loay hoay khá nhiều, và kết quả là mức lương của mình bị áp xuống thấp hơn ban đầu".
So sánh với bạn bè
"Một số bạn làm gì cũng chê lương thấp mình nghĩ một phần do tâm lý hay so sánh với bạn bè đồng trang lứa. Chẳng hạn hai đứa cùng lứa vừa mới ra trường nhưng chỗ làm của bạn bè mình lại đưa "offer" lương cao hơn so với chỗ làm của bản thân, tạo cho các bạn cảm giác bất công và đem nó ra làm chuẩn mực "offer" lương khi đi xin việc" - chị Hoàng Phương (25 tuổi, hiện đang làm việc tại công ty SEO ở TP.HCM) chia sẻ.
Tuy cùng một vị trí, nhưng ở mỗi công ty sẽ có những đầu việc khác nhau, những đãi ngộ, chế độ khác nhau nên mức lương cũng phải khác nhau. Thế nhưng nhiều người trẻ đi phỏng vấn vẫn căn cứ vào vị trí ứng tuyển của mình giống với người khác mà đưa ra yêu cầu mức lương tương tự.
Không cân nhắc nhiều đến phương diện khác ngoài lương
Hà Giang
Đôi lúc, việc chấp nhận ở lại tổ chức không đến từ giá trị của những con số mà nó còn nằm ở nhiều khía cạnh khác. Bạn Hà Giang (23 tuổi) hiện đang là nhân viên tại một công ty truyền thông ở TP.HCM bộc bạch: "Ban đầu khi ứng tuyển vào công ty, mình có hơi hụt hẫng khi thấy mức lương mà công ty đề nghị thấp hơn khá nhiều so với mong đợi của mình. Nhưng mình vẫn chọn gắn bó thử với nơi đây vì cảm thấy phúc lợi ưu đãi và môi trường làm việc tốt.
Sau một năm làm việc, mình cảm thấy lựa chọn của mình vô cùng đúng đắn. Các anh chị, bạn bè đều rất nhiệt tình, tận tâm giúp đỡ, hỗ trợ, tạo nhiều cơ hội cho mình phát triển bản thân. Tiền nhiều thì cũng thích đấy, nhưng được làm việc mình thích trong môi trường phù hợp thì càng tốt hơn".
Đồng quan điểm với bạn Hà Giang, anh Minh cũng cho biết: "Đôi lúc những con số trong tài khoản ngân hàng sẽ không quan trọng bằng những giá trị tiềm năng mà một công ty có thể mang lại cho bạn. Thay vì lúc nào cũng tập trung vào tiền lương, hãy thử nhìn vào các khía cạnh khác như sự cân bằng giữa tiền lương với chế độ phúc lợi, sự phù hợp giữa năng lực và công việc, sự thoải mái của bản thân... để quyết định nên ở lại hay không".
Thoả thuận lương không thành công vốn dĩ là chuyện bình thường, nhưng không trừ các trường hợp người lao động thì lỡ cơ hội mà nhà tuyển dụng lại mất một nhân sự tài năng vì chưa hiểu nhau khi đàm phán lương bổng. Dân văn phòng trẻ nên khảo sát kĩ hơn công ty mà mình ứng tuyển, cũng như doanh nghiệp cần cân nhắc về mặt tiềm năng nhân sự hơn là đưa ra khung lương dựa trên mặt bằng chung thị trường.