Giám đốc điều hành AkaBot chỉ ra "bí mật" khiến một số ngân hàng đưa chỉ số chi phí trên doanh thu xuống dưới 30%
Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp hiện đang có xu hướng thiên về phòng thủ nhiều hơn, và một trong những yếu tố giúp họ phòng thủ đó là tiết kiệm chi phí.
“Đã có hơn 40% doanh nghiệp trong VN30 sử dụng các giải pháp chuyển đổi số, và nếu tính trong 3 năm vừa rồi thì chúng tôi đã phục vụ cho hơn một triệu cổ đông và số lượng liên tục tăng gấp đôi hằng năm” – Đây là thông tin được ông Bùi Đình Giáp, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành AkaBot, FPT IS tiết lộ trong Talk show Phố Tài Chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8 số mới nhất.
Theo ông Bùi Đình Giáp, rất nhiều doanh nghiệp từ tài chính, bảo hiểm và các ngân hàng tìm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, ví dụ như việc tối ưu hóa vận hành doanh nghiệp, tự động hóa, eKYC hay giải pháp đại hội cổ đông trực tuyến, khi mà hiện nay có nhiều cổ đông ở xa không thể đến tham dự, và để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các cổ đông thì các doanh nghiệp đã tính các phương án đại hội cổ đông trực tuyến rồi bỏ phiếu từ xa…
Giám đốc của AkaBot nhấn mạnh, một trong những lợi ích lớn nhất của chuyển đổi số là tính minh bạch. Bởi vì khi thông tin được lưu trữ một cách đầy đủ trong từng bước một và việc sử dụng các công nghệ mới như eKYC, AI hay Big Data thì việc phục vụ sẽ diễn ra rất nhanh, cũng như đưa ra các số liệu gần như là theo thời gian thực cho các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, có nhiều lợi ích khác nữa như là giúp cho việc triển khai các dịch vụ của các doanh nghiệp một cách nhanh nhất, bảo mật và giảm thiểu sự phụ thuộc vào con người.
Ngoài ra đối với các doanh nghiệp niêm yết, một trong những vấn đề lớn nhất hiện nay, đó là sự công bằng giữa các cổ đông. Hiện nay một số cổ đông họ không có điều kiện để tham dự trực tiếp, dẫn đến là bị thiệt thòi. Việc đại hội cổ đông trực tuyến giúp cho các nhà đầu tư có thể tiết kiệm chi phí, đảm bảo tính quyền lợi của họ trong việc tham gia phiếu bầu. Việc này đồng thời cũng tiết kiệm cả thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Một nghiên cứu đã chỉ ra, nếu ngành công nghệ số tăng trưởng với tốc độ khoảng 10% mỗi năm, lợi ích lũy kế của nền kinh tế sẽ đạt trên 200 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2045. Trước câu hỏi của BTV Mùi Khánh Ly về việc gia tăng chuyển đổi số sẽ còn gián tiếp thúc đẩy nền kinh tế nói chung như thế nào, ông Bùi Đình Giáp cho rằng tác dụng thấy được ngay chính là tiết kiệm chi phí.
“Chúng ta có thể thấy nền kinh tế của Việt Nam cũng như thế giới trong giai đoạn này đang có những khó khăn nhất định và các doanh nghiệp hiện đang có xu hướng thiên về phòng thủ nhiều hơn, và một trong những yếu tố giúp họ phòng thủ đó là tiết kiệm chi phí. Việc thúc đẩy chuyển đổi số giúp họ tối ưu hóa vận hành và tiết kiệm chi phí vận hành nhiều hơn” – Ông Giáp nói.
Một trong những chỉ số có thể đo lường được vấn đề này đó là Cost to Income Ratio hay chỉ số chi phí trên doanh thu. Các doanh nghiệp hay ngân hàng, họ đã thúc đẩy việc chuyển đổi số và giảm được chỉ số này xuống, tức là doanh thu có thể tăng nhiều hơn nhưng chi phí sẽ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng doanh số.
Vị này tiết lộ, ở Việt Nam, một số ngân hàng vừa rồi cũng đã công bố các báo cáo cho thấy họ đã đưa được con số này về dưới mức 30%.
Thời gian vừa qua, chính phủ và cũng như các cơ quan quản lý nhà nước đã tích cực thúc đẩy cũng như đưa ra các chương trình như chương trình chuyển đổi số quốc gia, các giải thưởng Make in Việt Nam… Theo đánh giá của FPT IS, hiện nay các doanh nghiệp lớn đang làm tương đối tốt việc chuyển đổi số và điều này vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong giai đoạn sắp tới.
Tuy nhiên, ở Việt Nam có khoảng hơn 90% doanh nghiệp là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ cũng đang rất mong muốn chuyển đổi số, tuy nhiên họ đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt chi phí ban đầu và về mặt tìm các giải pháp phù hợp.
Hiện nay, tại Việt Nam, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu tập trung cung cấp các giải pháp cho mảng doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách là đưa lên cloud rồi cung cấp các giải pháp với chi phí hợp lý. Và cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, cùng chung tay với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp thì ông Bùi Đình Giáp cho rằng khối doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ tăng trưởng, tăng tốc việc chuyển đổi số để đuổi kịp các doanh nghiệp lớn.
Tại các nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia hay Thái Lan, họ có những quy định cụ thể về việc khi các doanh nghiệp niêm yết tổ chức đại hội cổ đông thì cần phải có thêm kênh trực tuyến để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư khi họ không có điều kiện đến tham gia trực tiếp.
Ngoài ra, từ phía các đơn vị cung cấp giải pháp thì cũng cần phải đưa ra các giải pháp có khả năng triển khai một cách nhanh chóng hơn, với chi phí rẻ hơn và được chuẩn hóa, có thể triển khai rộng cho hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp tại cùng một thời điểm.
“Và tôi tin là ở Việt Nam, bên cạnh FPT cũng còn rất nhiều các doanh nghiệp khác cũng đang mạnh mẽ thúc đẩy việc cung cấp các giải pháp cho các doanh nghiệp Việt Nam” – Ông Giáp nói.