Chủ tịch Công ty Tài chính MCredit: Chúng tôi sẽ "thu hồi nợ nhân văn"
MCredit sẽ sử dụng đội ngũ đòi nợ là nhân sự của chính công ty chứ không thuê đòi nợ bên ngoài. Công ty cũng sẽ tư vấn cho khách hàng có vay có trả và xây dựng tín nhiệm cá nhân để có cơ hội tiếp cận tài chính trong tương lai.
Các cổ đông lo ngại rằng, thời gian gần đây, nhiều công ty tài chính đã bị cơ quan chức năng điều tra do vi phạm pháp luật trong khi đòi nợ. Điều này có thể khiến khách hàng có tâm lý cố tình vay nhưng không trả nợ, tạo ra nợ xấu cho MCredit.
Trả lời vấn đề này, bà Vũ Thị Hải Phượng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị MB, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thành viên MCredit cho biết, thu hồi nợ xấu sẽ là công việc ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và chất lượng xử lý nợ của MCredit.
Bà Phượng cho biết, MCredit dưới sự chỉ đạo của MB đã chuyển đổi chiến lược thu hồi nợ thành "thu hồi nợ nhân văn" , củng cố năng lực, thu hồi nợ bằng chính các nhân sự của MCredit. Từ 100 nhân sự thu hồi nợ, giờ đây MCredit đã nâng con số này lên trên 1.000, trong đó 400 là nhân sự của công ty và 600 là cộng tác viên.
Với "thu hồi nợ nhân văn", mục tiêu của MCredit là xây dựng hệ thống tư vấn cho khách hàng thực hiện việc "có vay - có trả" và xây dựng "tín nhiệm cá nhân" để có cơ hội tiếp cận tài chính tương lai và phát triển bền vững.
Thứ hai, MCredit truyền thông về chiến lược thu hồi nợ nhân văn cho cán bộ nhân viên công ty, đặc biệt là đội ngũ thu hồi nợ và đội ngũ môi giới dịch vụ theo hướng tổ chức tư vấn cho khách hàng về trả nợ, tránh gánh nặng nợ nần.
Bà Phượng khẳng định trong quá trình này MCredit không ủng hộ thu hồi nợ theo các đơn vị bên ngoài. Hiện nay, một số công ty thu hồi nợ bên ngoài đang đánh đồng tín dụng đen với công ty tài chính và đây là một vấn đề khó khăn.
" Tuy nhiên, chúng tôi xác định khi thị trường khó khăn, một đơn vị được xây dựng nền tảng công nghệ bài bản, có văn hóa độc đáo, có cam kết về mặt chất lượng thì thị trường khó khăn chúng ta càng bước tiếp . Cúng ta sẽ tiến xa hơn giống như tài chính tiêu dùng 3 năm vừa qua khi Covid xảy ra thì chúng ta vẫn tiếp tục vững bước, đặc biệt là chiếm lĩnh thị phần tăng cường khách hàng, phục vụ 20 triệu khách hàng của ngân hàng mẹ MB, nhất là phân khúc thu nhập thấp (low income)" , bà Phượng nói.
Bà Phượng cho rằng thị trường tài chính tiêu dùng hiện nay vẫn có những khó khăn, nhưng tự tin khẳng định MCredit sẽ đảm bảo có lợi nhuận 1.300 tỷ đồng năm 2023.
Hiện nay, MCredit đã xây dựng chiến lược 2022-2026, mục tiêu trở thành công ty tài chính tiêu dùng có dịch vụ thuận tiện nhất, đứng top 2 về quy mô và top đầu về hiệu quả phục vụ 8-10 triệu khách hàng.
Kết thúc năm 2022, MCredit đạt top 3 về quy mô, với thị phần từ mức 5% năm 2019 lên mức trên 12% năm 2022. Sau FE Credit và Home Credit.
Một số chỉ tiêu tài chính của MCredit gồm CIR 29,4%, ROE 40,6%, biên lợi nhuận ròng (net profit margin) 21,1% đứng đầu ngành tài chính tiêu dùng. Lợi nhuận MCredit là 1.200 tỷ đồng, đứng thị 2 thị trường (sau Home Credit với 1.400 tỷ đồng).
Nợ xấu MCredit là 5,9% và tính liên đới CIC là 6,5%, trong khi trung bình ngành là 8%.
Năm 2023, MCredit lựa chọn phát triển theo hướng chất lượng và bền vững. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng quý 1 đạt 1%, nợ xấu tăng lên 7,8% trong đó liên đới CIC 1%, lợi nhuận 302 tỷ đồng. CIR đang kiểm soát ở 23%.