BTV Ngọc Trinh: "Tôi kiếm được 1 tỷ rưỡi đầu tiên từ hồi sinh viên, bây giờ thấy mình dại"
"Khi việc kiếm tiền không còn chỉ vì những con số mà trở thành phản xạ thì tài sản của bạn là có hàng tỷ thứ kinh nghiệm chứ không phải hàng tỷ đồng" - BTV Ngọc Trinh cho biết.
BTV Ngọc Trinh (tên thật Dương Ngọc Trinh, sinh năm 1986) chẳng phải là một gương mặt lạ lẫm gì với khán giả VTV nói chung và các chương trình tài chính kinh doanh nói riêng. Sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, sắc sảo cùng lối dẫn thông minh, dí dỏm, cô được biết đến thông qua các chương trình như Bản tin Tài chính, Chuyển động 24h...
Khi nhắc tới con số 1 tỷ, chị nghĩ tới điều gì đầu tiên?
Tôi thấy nó vừa nhiều vừa ít. Với nhiều người, 1 tỷ là cả 1 gia tài nhưng với nhiều người khác, 1 tỷ lướt qua nhanh như 1 cơn gió. Bây giờ nhiều người nói về tiền tỷ dễ như ăn bánh, thậm chí các bạn trẻ còn nói đến chuyện nghìn tỷ, trăm nghìn tỷ,... rất nhiều. Còn thực tế họ kiếm được tới đâu thì tôi không rõ. Nhưng, chứng tỏ chuyện tiền nong ngày nay được chia sẻ cởi mở chứ không còn "tế nhị" như thời của tôi.
Với tôi thì 1 tỷ đầu tiên bên cạnh vật chất, nó còn là cột mốc. Cột mốc đầu tiên đánh dấu bạn đã sống sót, đã có thể tự "kiếm mồi" trong một môi trường đầy sự cạnh tranh và khốc liệt.
Cột mốc đó chị đạt được lúc nào và nhờ việc gì?
Để tôi nhớ lại 1 chút vì nó cũng lâu quá rồi. Hơn nữa khi thật sự kiếm tiền sẽ giống như bạn cứ chạy và chạy về đích lúc nào không biết. Ngược lại, nếu bạn vẫn chờ hoặc đếm xem còn bao nhiêu phút nữa mới về đích thì đích sẽ còn rất xa. Khi việc kiếm tiền không còn chỉ vì những con số mà trở thành phản xạ thì tài sản của bạn là có hàng tỷ thứ kinh nghiệm chứ không phải hàng tỷ đồng.
1 tỷ đầu tiên mà tôi có được là từ hồi học đại học, nhờ tiền ăn chênh lệch. Tôi có cơ hội mua được 1 BĐS, đánh liều vay gia đình. Và khi có lời thì bán chốt lãi. Lúc đó mình rất sung sướng vì đã kiếm được 1 tỷ rưỡi đầu tiên. Nhưng về sau tôi mới thấy mình dại vì nếu giữ lại thì giờ số lãi đó chắc gấp cả trăm lần. *cười*
Sau khi có được 1 tỷ đầu tiên, sẽ rất dễ để có 3 - 4 tỷ tiếp theo nhưng có phải từ vạch xuất phát lên con số 1 tỷ mới gặp nhiều rủi ro, nguy cơ hơn?
Sau khi có 1 tỷ đầu tiên, bạn sẽ có thể đạt đến cột mốc 5 - 10 tỷ. Và nếu vượt được cột mốc 1 triệu đô đầu tiên thì với bạn việc kiếm tiền không còn là để tiêu. Mà nó là phản xạ và thú vui chinh phục công việc.
Nhưng bất kể những cột mốc nào bạn cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ và nguy cơ lớn nhất chính là mất trắng.
Thứ nhất là mất trắng tiền, cái này đáng buồn. Nhưng đáng sợ nhất là mất điều thứ 2: mất trắng bản lĩnh và niềm tin vào bản thân. Cho nên tôi nghĩ điều cần giữ vững chưa chắc đã là tiền mà là niềm tin và tâm thế. Có thể trong một số trường hợp bạn ăn may nhưng quan trọng là phải biết phân biệt tài năng và ăn may. Nhiều khi bạn ăn may nhưng bạn lại nghĩ mình giỏi và đến lúc nào đấy bạn không may nữa thì sẽ biết ngay cái giỏi của mình ở đâu.
Theo chị, câu chuyện kiếm tiền của 1 người sẽ phản ánh như thế nào về cá tính con người họ?
Nếu ai đó đã từng nói với bạn là khi nhìn môn thể thao bạn chơi, nhìn cách bạn lái xe, ăn uống nó thể hiện tính cách của bạn thì việc kiếm tiền cũng vậy. Câu chuyện kiếm tiền sẽ thể hiện 3 gạch đầu dòng để nói về một con người:
- Khả năng kiểm soát bản thân: Nếu bạn tham lam, không có kiểm soát và không biết điểm dừng thì bao giờ cũng thế, rất khó có người đồng hành. Và rất khó giữ sự bền vững.
- Khả năng sử dụng thời gian: không chỉ tiền, thời gian cũng là tài sản. Nếu bạn biết quản trị và tận dụng thời gian. 24 tiếng của bạn có thể không bận rộn. Vẫn hưởng thụ và vẫn làm ra nhiều tiền. Và ngược lại.
- Khả năng định giá bản thân với công sức bỏ ra: Khi bạn biết định giá bản thân, bạn sẽ biết công sức bỏ ra là rẻ hay đắt. Có những bạn trẻ vừa ra trường xong đã tuyên bố là phải được lương 15 triệu/ tháng mới đi làm. Các bạn quên mất con số 15 triệu bao gồm cả kinh nghiệm làm việc mà các bạn chưa có kinh nghiệm thì làm sao người khác đồng ý được.
Đặt tình huống chị đến một đất nước hoàn toàn mới, không được mang theo bất cứ tài sản gì mình đang sở hữu, không vốn, không tiền tiết kiệm - thì chị nghĩ mình sẽ làm gì để sống và kiếm tiền ở đó?
Úi. Tôi luôn luôn đặt câu hỏi này, nhất là khi chuẩn bị đi du lịch. Lý do là vì tôi xem phim xong bị lậm nên luôn tự hỏi bản thân: Nếu gặp biến thì làm thế nào?
Câu trả lời là đầu tiên, tôi sẽ làm bồi bàn và nấu ăn. Tôi nghĩ trình độ nấu ăn của mình không tồi, có thể không kiếm lãi được nhưng vẫn sống sót. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của mỗi người, giúp mình có thể tồn tại là ăn - mặc - ở. Sau đó tôi sẽ tìm kiếm cơ hội để quay về công việc mà mình có 1 chút kinh nghiệm.
Ngoài tiền bạc và sự thành công, có điều gì rất giản dị về chị mà người ngoài chưa được biết?
Trong ăn uống, tôi thuộc kiểu không thích màu mè, kiểu cách nhưng lại kĩ. Ví dụ, tôi ăn cơm với muối vừng cũng được nhưng cơm phải ngon, muối vừng phải ngon chứ tôi không muốn ăn bào ngư vi cá mà tanh ngắt đâu.
Trên cương vị là BGK của cuộc thi Làm giàu tuổi 20, chị nhận định thế nào về trình kiếm tiền của người trẻ?
Những người bạn của tôi có con trưởng thành giờ hay khoe con kiếm tiền rất giỏi, không mấy ai khoe điểm số như thời bố mẹ tôi: "Con tôi kiếm tiền trên thị trường chứng khoán rất giỏi", "Con tôi nhanh nhạy, biết kiếm tiền online",... Ngược lại các bạn trẻ ấy cũng rất tự lập và tự tin khoe những món đồ tự mua được. Thế nên tôi thấy chuyện kiếm tiền của Gen Z bây giờ hoàn toàn khác với Millennials - thế hệ của tôi. Millennials là cứ học cho tốt rồi sau ra trường kiếm tiền cũng chưa muộn còn các bạn Gen Z nhạy bén hơn rất nhiều trong chuyện kiếm tiền. Điều này thể hiện một xu thế mới - xu thế của việc CNTT đến quá sớm, mọi thứ và mọi người kết nối quá dễ dàng. Vì vậy mà bạn nào có tài năng, nhanh nhạy và có máu kinh doanh 1 chút là đã kiếm tiền rất ổn rồi.
Khi bạn biết kiếm tiền thì thói quen tiêu tiền cũng khác so với lúc chẳng biết kiếm gì cả, chỉ biết đi xin. Đâu phải chỉ người trưởng thành mới phải tiêu tiền đâu, người trẻ cũng có nhu cầu tiêu tiền và hưởng thụ mà. Vậy thì các bạn trẻ hoàn toàn có thể tự kiếm tiền bằng khả năng, bằng đôi tay, bằng những thứ mình có để tự chủ động thú vui và cuộc sống của mình. Đó là sự phát triển rất lớn, không phải chỉ riêng trong giới trẻ đâu mà nó còn làm thay đổi cục diện kinh tế chung.
Nếu ở thời của chị có 1 cuộc thi tương tự, chị có tham gia không?
Chắc chắn là có. Cuộc thi này không phải để xem ai kiếm tiền giỏi hơn ai mà quan trọng là mình nuôi ý chí từ bao giờ. Ngay cả bây giờ, khi nói về kiếm tiền tôi nghĩ nhiều người vẫn cho rằng: "Ôi dồi ôi, kiếm tiền làm gì sớm? Kiếm tiền là chuyện cả đời, cứ học cái đã". Trên thực tế tiền giống như 1 tấm bằng khen. Khi bạn còn đi học, điểm số trong học bạ là thứ để tự hào còn khi bạn ra đời, điểm tín dụng mới là thứ nói lên bạn là ai.
Có ý kiến cho rằng kể về hành trình kiếm tiền và tiết lộ số tiền tỷ này tỷ nọ như cuộc thi hướng đến là cách để ghi dấu lại những cột mốc oanh liệt nhất của thanh xuân nhưng cũng có người cho đó là khoe khoang. Chị thấy thế nào?
Ở các nước châu Á với nền văn hoá Á đông, mọi người đề cao và tôn thờ sự khiêm tốn nhiều khi, còn nghĩ rằng với người dám thể hiện bản thân lại là khoe khoang, show off. Nhưng đó là thời xưa. Ngày nay các bạn trẻ sẵn sàng thể hiện bản thân và bố mẹ của các bạn cũng tự hào vì điều đó. Giống như ở các nước phương Tây, người ta đề cao sự tự tin, thoải mái thể hiện mình muốn gì ở người trẻ.
Với tôi, bạn tiết lộ cũng được, bạn không tiết lộ cũng chả sao, quan trọng đó là sức lao động của bạn, là niềm tự hào của bạn. Bởi lẽ câu chuyện của bạn với người này là khoe khoang, với người khác là truyền cảm hứng và với người khác nữa lại là động lực để họ đứng lên sau vấp ngã. Nhiều khi tôi nghĩ rằng nếu bạn chỉ nhìn một khía cạnh và thu mình lại cũng là 1 lựa chọn nhưng nếu câu chuyện của bạn có thể tác động tích cực đến sự quyết tâm của các bạn trẻ khác thì chia sẻ nó mới là điều giá trị nhất chứ!
Cảm ơn chị vì những chia sẻ!