Xây dựng trung tâm công nghiệp năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận
Theo quy hoạch vùng Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Thuận được xác định là trung tâm trọng điểm để phát triển công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo.
Ninh Thuận được xác định là trung tâm trọng điểm để phát triển công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Kế hoạch này nhằm mục tiêu thực hiện có hiệu quả quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của quy hoạch đề ra.
Kế hoạch cũng xác định rõ tiến độ thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện quy hoạch.
Trọng tâm của kế hoạch là phát triển vùng động lực miền Trung và mạng lưới hành lang kinh tế, chia thành tám nhóm nhiệm vụ chính. Qua đó, kế hoạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và nguồn lực xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Theo đó, tiểu vùng Bắc Trung Bộ trở thành khu vực tăng trưởng quan trọng về công nghiệp, dịch vụ, đô thị biển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của vùng và cả nước. Khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi được định hướng trở thành vùng động lực của miền Trung.
Đồng thời, tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước. Điểm nhấn đặc biệt là việc xây dựng Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận.
Theo đó, kế hoạch đề ra việc phát triển các hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Đông trên cơ sở đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quốc lộ 1, đường sắt Bắc - Nam và đường sắt cao tốc trong tương lai; phát triển hàng lang kinh tế Bắc - Nam phía Tây, hàng lang kinh tế Đông - Tây; Cầu Treo - Vũng Áng, Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng, Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn.
Các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận |
Ngoài ra, kế hoạch cũng đề ra các giải pháp đổi mới đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng hệ thống hạ tầng hiện đại, thông minh, phát triển đô thị và hạ tầng phòng cháy chữa cháy, hạ tầng xã hội cấp vùng. Việc đảm bảo quốc phòng, an ninh cũng được xem là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển.
Được biết, Ninh Thuận hiện có 57 dự án điện gió, điện mặt trời và thủy điện vận hành và tổng công suất 3.749 MW, ngành năng lượng tái tạo đã đóng góp hơn 7.000 tỷ đồng vào ngân sách địa phương.
Theo quy hoạch đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng phát triển điện gió hơn 1.400 MW, điện gió ven biển 4.380MW; điện gió ngoài khơi 2.000 MW, điện mặt trời 11.200 MW; điện khí LNG 1.500 MW và thủy điện tích năng 2.400 MW.