Viễn cảnh tình hình năng lượng thế giới năm 2023
Xung đột quân sự Nga-Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt từ phương Tây lên Moscow đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung năng lượng quốc tế.
Năm 2022 đánh dấu một năm khủng hoảng nghiêm trọng của ngành năng lượng toàn cầu, đáng ngại là điều này được cảnh báo sẽ kéo dài đến năm sau.
Xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo theo các biện pháp trừng phạt từ phương Tây lên Moscow đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung năng lượng quốc tế, khi Nga là một trong những nước xuất khẩu dầu và khí đốt hàng đầu hiện nay, theo hãng tin Reuters.
Thực tế từ trước cuộc xung đột, nhu cầu năng lượng đã tăng vọt sau đại dịch COVID-19 và nguồn cung đã khó đáp ứng. Các yếu tố này đã khiến ngành năng lượng năm 2022 chìm trong khủng hoảng kéo dài.
Một kho dự trữ khí đốt của châu Âu đặt tại TP Emden của Đức hồi tháng 11. Ảnh: REUTERS |
Hệ quả từ các đợt trừng phạt của phương Tây
Sau khi Nga đưa quân vào Ukraine và phương Tây bắt đầu triển khai các gói trừng phạt, các công ty năng lượng hàng đầu thế giới như Shell, BP và Equinor nhanh chóng rút khỏi Nga, dù phải bỏ lại hàng chục tỉ USD đã đầu tư ở đây. Nga đáp trả bằng cách giảm dần nguồn cung dầu khí tới “các quốc gia không thân thiện” và yêu cầu thanh toán hợp đồng năng lượng bằng đồng rúp, rồi cuối cùng cắt nguồn cung dầu khí tới châu Âu.
Giá khí đốt dưới tác động từ những chuyển động trên đã nhanh chóng tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm, trong khi giá dầu có lúc lên gần 140 USD/thùng, gần mức kỷ lục của mọi thời đại. Giá năng lượng tăng cao kéo theo vòng xoáy lạm phát hậu đại dịch, tạo ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở những nước đang phát triển.
Theo Reuters, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã buộc các nước châu Âu phải đánh giá lại tổng thể mối quan hệ với Nga - quốc gia từ lâu đã là nhà cung cấp khí đốt chính của lục địa này và nghiêm túc giải quyết việc lệ thuộc nguồn cung từ nước này.
Hàng loạt quốc gia phương Tây do Mỹ dẫn đầu sau đó đã thảo luận và bắt đầu áp dụng biện pháp áp trần giá dầu xuất khẩu Nga từ ngày 5/12. Liên minh châu Âu (EU) còn tiếp tục áp thêm một mức giá trần lên khí đốt Nga, đồng thời cam kết đầu tư nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) để đáp ứng nhu cầu năng lượng.
Có thể nói cuộc xung đột ở Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga sau đó của phương Tây đã làm đổ vỡ các mối quan hệ trong chuỗi cung ứng năng lượng vốn đã tồn tại hàng chục năm qua.
Chỉ trong chưa đầy một năm, chúng ta đã chứng kiến mối quan hệ đối tác thành công suốt 50 năm về năng lượng giữa Nga và châu Âu chấm dứt. Điều đó dẫn đến sự điều chỉnh lại cung - cầu và sẽ mất thời gian. Chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả cho đến năm sau và có thể lâu hơn nữa. Chuyên gia MICHAEL STOPPARD, Công ty phân tích thị trường năng lượng S&P Global Commodity Insights (Anh) |
Năm 2023 sẽ ra sao?
Trong cuộc họp báo chung mới đây, các đại diện Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Ủy ban châu ÂU (EC) cho rằng tuy châu Âu có đủ năng lượng năm nay nhưng có thể duy trì tới năm sau hay không là vấn đề khác. IEA dự báo EU có thể phải đối mặt với khả năng thiếu khí đốt lên tới 30 tỉ m3 vào năm sau bởi nguồn cung khí đốt từ Nga có thể sẽ giảm về 0, còn nhập khẩu LNG từ Trung Quốc sẽ quay về mức năm 2021. Các cơ sở dự trữ khí đốt của châu Âu sẽ chỉ còn 30% cuối mùa đông này. Dù vậy, IEA cho rằng phần thiếu hụt vẫn có thể giảm bớt nếu châu Âu tích cực áp dụng nhiều biện pháp.
Thực tế đến tháng 12, tình trạng hỗn loạn về cung - cầu ngành năng lượng vẫn chưa kết thúc, nhất là khi các nền công nghiệp lớn cũng đang chuẩn bị đối phó với những hạn chế về nguồn cung vào năm 2023 - khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa lại - nếu không muốn nói là thêm nhiều năm sau đó. Các nước châu Âu đã phải chấp nhận chuyển sang mua nhiên liệu hóa lỏng từ đồng minh Mỹ dù chi phí cao hơn, đồng thời đẩy mạnh các dự án phát triển năng lượng hạt nhân, năng lượng mặt trời, gió và hydro.
Các nền kinh tế lớn trên thế giới buộc phải tìm đến các nguồn năng lượng thay thế thông qua việc thúc đẩy các dự án về năng lượng tái tạo, song song với việc tăng mua năng lượng hóa thạch như than khiến các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu bị kéo lùi. Việc nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ làm chi phí vay ngắn hạn tăng lên, viễn cảnh bất lợi cho một số dự án năng lượng sạch.
Về giá cả, theo nhiều nhà quan sát, năm 2022 sắp kết thúc, chi phí cho khí đốt và nhiên liệu sưởi ấm đã giảm do hoạt động kinh tế suy giảm. Dù vậy, người dân nhiều nước vẫn đang và khả năng sẽ còn khó khăn trong một thời gian nữa vì nguồn cung khan hiếm sẽ gây ra nhiều cú sốc giá hơn.•
Nga cảnh báo nguy cơ mất an ninh năng lượng toàn cầu trong tương lai
Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn TASS ngày 24/12, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nhận định thế giới đang có nguy cơ đối mặt với tình trạng mất an ninh năng lượng do thiếu hụt nguồn cung trong 5-10 năm tới bởi các công ty năng lượng phương Tây ít đầu tư trong lĩnh vực này. Hệ quả của việc suy giảm đầu tư là trong tương lai châu Âu sẽ là bên bị tác động nặng nhất và sẽ không có đủ nguồn lực năng lượng. Cuối cùng, thế giới sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt và một đợt khủng hoảng mới.
Ông Novak cũng cảnh báo việc các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt mới và triển khai các biện pháp điều tiết thị trường sẽ không đem lại lợi ích kinh tế và dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong dài hạn. Ông Novak cũng khẳng định các nguồn năng lượng của Nga là không thể thay thế và không thể bị cắt khỏi thị trường quốc tế.
“Việc tiêu thụ các nguồn năng lượng sẽ chỉ tăng lên trong tương lai, vì vậy tôi không thể tưởng tượng nền kinh tế thế giới sẽ xoay xở như thế nào nếu không có các nguồn năng lượng của Nga” - ông Novak nói.