Vì sao hóa đơn tiền điện phía Nam sắp tăng đột biến?
Dự báo tháng 4-5, cao điểm nắng nóng có lúc lên đến 40 độ C, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện làm mát rất lớn, qua đó kéo theo hóa đơn tiền điện tăng đột biến.
Cao điểm mùa khô - cảnh báo hóa đơn tiền điện tăng đột biến
Theo quy luật thời tiết, quý II hằng năm là giai đoạn cao điểm nắng nóng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, với nhiệt độ nhiều thời điểm vượt ngưỡng 37-40°C. Số giờ nắng trong ngày tăng đáng kể, thời tiết oi bức kéo dài ngay cả vào ban đêm, làm gia tăng đáng kể nhu cầu sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp. Trong đó, điện năng tiêu thụ chủ yếu đến từ các thiết bị làm mát như máy lạnh, quạt điện, tủ lạnh...
![]() |
Ngành điện TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hỗ trợ kỹ thuật mở rộng chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong cao điểm mùa khô 2025 |
Dự báo cho thấy, nhu cầu tiêu thụ điện tại TP. Hồ Chí Minh trong mùa nắng nóng năm 2025 sẽ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân chủ yếu do tác động kép từ thời tiết nắng nóng gay gắt và sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Theo dự báo, nhiệt độ tối đa trung bình trong tháng 4/2025 dự kiến ở mức 35,10°C - thấp hơn mức 36,57°C cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thực tế có thể cao hơn do ảnh hưởng của các đợt nắng nóng kéo dài. Trong khoảng thời gian từ tháng 3 - 5, nền nhiệt phổ biến dao động từ 34 - 37°C, đặc biệt vào cuối tháng 4 và tháng 5 thường ghi nhận các đợt nắng gay gắt, khiến nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) cho biết: Theo số liệu cập nhật đến ngày 26/3/2025, sản lượng điện tiêu thụ của TP. Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều biến động rõ rệt.
Cụ thể, tháng 2/2025, tiêu thụ bình quân đạt 74,76 triệu kWh/ngày, tăng 10,68% so với cùng kỳ năm trước là 67,55 triệu kWh/ngày. Tuy nhiên, điện sinh hoạt vẫn ở mức thấp do kỳ nghỉ Tết kéo dài và thời tiết khá lạnh so với thời tiết trong cùng khoảng 10 năm gần đây dẫn đến việc tiêu thụ điện năng trong tháng 2 ở mức thấp.
Tháng 3/2025, sản lượng điện tăng lên 86,97 triệu kWh/ngày, cao hơn 16,32% so với tháng trước. Trong đó, riêng điện sinh hoạt đạt 42,64 triệu kWh/ngày, tăng gần 20% so với tháng 2. Nguyên nhân là tháng 3 có 31 ngày và là tháng đầu tiên của chu kỳ nắng nóng, chưa có mưa. Nhiệt độ trung bình tháng 3 cao hơn tháng 2 dẫn đến việc người dân sử dụng máy lạnh nhiều dẫn đến sản lượng điện sinh hoạt tháng 3 cao hơn tháng 2.
Tháng 4 là tháng đỉnh điểm của nắng nóng, thời tiết oi bức và chưa có mưa. Sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày toàn TP. Hồ Chí Minh dự kiến đạt 100,80 triệu kWh/ngày, cao hơn 34,83% (tương đương 26,04 triệu kWh/ngày) so với tháng 2/2025 và cao hơn 15,80% (tương đương 13,83 triệu kWh/ngày) so với tháng 3/2025. Do vậy, sản lượng điện sinh hoạt của tháng 4 là cao nhất trong 3 tháng (cao hơn 15,83% so với tháng 3 và cao hơn gần 38,77% so với tháng 2).
“Trong thời gian tháng 4, nắng nóng kéo dài dẫn đến việc sử dụng máy lạnh ở mức cao nhất trong năm. Ngoài ra, tháng 4 có 2 đợt lễ (Giỗ tổ Hùng Vương ngày 7/4 và Giải phóng miền Nam 30/4), dự kiến ngày 28/4 sẽ là ngày có sản lượng điện sinh hoạt cao nhất trong năm 2025”, đại diện EVNHCMC nhấn mạnh.
Mặc dù dự báo tháng 5 sẽ có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 -15%, tuy nhiên mức tiêu thụ điện được cho là vẫn duy trì ở ngưỡng rất cao, dao động tùy theo điều kiện thời tiết thực tế từng ngày.
Theo các chuyên gia ngành điện, nhiệt độ môi trường là yếu tố có tác động trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ điện. Trong điều kiện nắng nóng gay gắt, các thiết bị làm mát như máy điều hòa, quạt điện, tủ lạnh… thường xuyên phải hoạt động với công suất lớn hơn. Với hộ gia đình, riêng điều hòa có thể chiếm tới 50% lượng điện tiêu thụ trong ngày. Trong khu vực sản xuất, hệ thống làm mát công nghiệp khiến điện năng tiêu thụ tăng thêm từ 10 -15%. Đặc biệt, nhiệt độ tăng cao còn khiến hiệu suất hoạt động của thiết bị giảm, dẫn đến việc sử dụng điện nhiều hơn để duy trì công suất.
Chủ động giải pháp đảm bảo cung ứng điện
Nhìn chung, tình hình tiêu thụ điện tại TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng cao vào tháng 4 và tháng 5 khi thời tiết trở nên oi bức hơn. Dự báo, sản lượng điện tiêu thụ sẽ đạt mức đỉnh điểm vào cuối tháng 4 và tháng 5, đòi hỏi công tác quản lý vận hành lưới điện phải được thực hiện chặt chẽ nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
![]() |
Để đảm bảo công tác cung cấp điện mùa khô 2025 và cả năm đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sửa chữa, nâng cấp lưới điện, đảm bảo hoàn thành toàn bộ các công trình trước ngày 31/3/2025 |
Để đảm bảo công tác cung cấp điện phục vụ cho người dân và doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh trước tình hình tiêu thụ điện tăng cao trong mùa khô, tổng công ty đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định trong mùa khô và cả năm 2025.
Các giải pháp trọng tâm bao gồm: Xây dựng các kịch bản vận hành phù hợp với mức tăng trưởng phụ tải cơ sở 10% và dự phòng 15%; đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sửa chữa, nâng cấp lưới điện, đảm bảo hoàn thành toàn bộ các công trình trước ngày 31/3/2025 nhằm tránh tình trạng phải cắt điện thi công trong mùa nắng nóng cao điểm. Đồng thời, EVNHCMC cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ bảo trì theo điều kiện (CBM), tăng cường kiểm tra hệ thống lưới điện hạ thế và nhánh dây sau công tơ.
Bên cạnh đó, tổng công ty triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng, mở rộng chương trình điều chỉnh phụ tải (DR), cũng như thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025.
Khuyến cáo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả
Trong bối cảnh thời tiết nắng nóng kéo dài và nhu cầu sử dụng điện không ngừng gia tăng, EVNHCMC khuyến nghị người dân và doanh nghiệp chủ động thực hiện các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
![]() |
Công nhân ngành điện TP. Hồ Chí Minh hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng (app) EVNHCMC CSKH để trực tiếp theo dõi và tra cứu thông tin về điện năng tiêu thụ hàng ngày và có sự điều chỉnh hợp lý trong sử dụng điện |
Cụ thể, đối với hộ gia đình: Ngành điện khuyến nghị ưu tiên sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, có dán nhãn hiệu suất cao (5 sao, công nghệ Inverter); cài đặt điều hòa nhiệt độ ở mức 26-28°C và sử dụng thêm quạt để tăng hiệu quả làm mát.
Cùng với đó, tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, sử dụng chức năng hẹn giờ tự động; tận dụng ánh sáng, thông gió tự nhiên vào sáng sớm và chiều tối; sử dụng rèm cách nhiệt, phim chống nóng; trồng cây xanh để giảm nhiệt độ không gian sống; bảo dưỡng định kỳ máy lạnh, tủ lạnh để tăng hiệu suất và giảm tiêu hao điện năng.
Đối với doanh nghiệp, điều chỉnh giảm công suất theo khuyến nghị vào giờ cao điểm; bố trí lại lịch sản xuất nhằm chuyển tải hoạt động sang giờ thấp điểm; đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà để giảm phụ thuộc vào điện lưới và tiết kiệm chi phí vận hành.
Ngoài ra, người dân có thể theo dõi và quản lý lượng điện tiêu thụ hằng ngày thông qua ứng dụng EVNHCMC CSKH, từ đó điều chỉnh hành vi sử dụng điện hợp lý, tránh hóa đơn tiền điện tăng đột biến.
Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không chỉ mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho từng hộ gia đình, doanh nghiệp mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường. Đồng thời giữ vững sự ổn định của hệ thống điện trong bối cảnh nắng nóng gay gắt kéo dài tại TP. Hồ Chí Minh. |