Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo
Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030 nhấn mạnh, cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng. Trong đó, ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch.
Theo Quyết định 165/QĐ-TTg ngày 28/2/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành công thương giai đoạn đến năm 2030.
Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng đạt khoảng 15 - 20% năm 2030
Về tái cơ cấu ngành năng lượng, đề án nêu: Phát triển ngành năng lượng nhanh, bền vững và đi trước một bước so với phát triển kinh tế - xã hội. Đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng quốc gia.
Tăng cường hợp tác về phát triển nguồn cung từ bên ngoài và đa dạng hóa phát triển nguồn cung năng lượng trong nước; xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại. Khuyến khích kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tham gia phát triển năng lượng. Phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 175 - 195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đạt khoảng 105 - 115 triệu TOE.
Cơ cấu lại các nguồn năng lượng theo hướng phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hóa các loại hình năng lượng. Ưu tiên khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch. Khai thác và sử dụng tối ưu, tiết kiệm các nguồn năng lượng hóa thạch trong nước, chú trọng mục tiêu bình ổn, điều tiết và yêu cầu dự trữ năng lượng quốc gia. Đẩy mạnh tìm kiếm và phát triển các loại năng lượng sạch mới. Đảm bảo tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% năm 2030.
Hình thành và phát triển các trung tâm năng lượng, đặc biệt là các trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế gắn với đảm bảo cân đối cung - cầu theo vùng, miền
Hình thành hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân với lộ trình phù hợp. Kiên quyết loại bỏ bao cấp, độc quyền, cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch trong ngành năng lượng. Tiến tới áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng.
Hình thành và phát triển các trung tâm năng lượng, đặc biệt là các trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và các địa phương có lợi thế gắn với đảm bảo cân đối cung - cầu theo vùng, miền. Khuyến khích phát triển các dự án đầu tư hệ thống tích trữ năng lượng để vận hành tối ưu hệ thống và tích hợp năng lượng tái tạo nhằm ổn định cung cầu năng lượng, đảm bảo phân phối điện tới các vùng nông thôn, miền núi, biên giới và hải đảo.
Phát triển hạ tầng năng lượng đồng bộ, hiện đại, bền vững, đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN. Chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng xuất, nhập khẩu năng lượng kết nối khu vực và chủ động xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư phát triển nguồn năng lượng ở nước ngoài.
Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị và công nghệ năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới tự chủ sản xuất được phần lớn các thiết bị năng lượng, đặc biệt là công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo, công nghệ lưu trữ điện năng, công nghệ thu giữ và sử dụng hiệu quả carbon.
Đảm bảo khai thác, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Phấn đấu tiết kiệm năng lượng đạt mức 7% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển bình thường.
Tái cơ cấu ngành điện theo hướng hiện đại
Đề án cũng nêu rõ, tái cơ cấu ngành điện theo hướng hiện đại, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Bảo đảm cân đối về cung - cầu điện phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Đảm bảo vận hành hệ thống điện quốc gia an toàn, tin cậy và hiệu quả. Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành điện.
Phát triển chuỗi cung ứng ngành điện theo hướng đồng bộ hóa từ khâu phát triển nguồn điện, phát điện, truyền tải đến phân phối đáp ứng yêu cầu phát triển của hệ thống điện và thị trường điện. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư và đưa vào vận hành các dự án nguồn điện và lưới điện truyền tải.
Phát triển nhanh và bền vững các nguồn điện với cơ cấu và phân bổ hợp lý, bảo đảm an toàn, tin cậy, ổn định theo hướng đa dạng hóa. Chú trọng nâng cao hệ số công suất khả dụng và có dự phòng công suất phù hợp, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành điện.
Tái cơ cấu ngành điện theo hướng hiện đại, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam
Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Đảm bảo đến năm 2030, tổng công suất đặt các nguồn điện đạt 120.995 MW - 145.930 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).
Hoàn thiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh theo thiết kế đã được phê duyệt. Hoàn thành các công tác chuẩn bị về pháp lý, cơ sở hạ tầng, triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, trong đó thực hiện thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện từ nay đến năm 2025.
Nghiên cứu và thực hiện tách bạch hoạt động phân phối điện (mang tính độc quyền tự nhiên) với hoạt động kinh doanh bán lẻ điện (mang tính cạnh tranh) nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong lĩnh vực điện lực.
Cải cách giá bán lẻ điện phù hợp với các cấp độ thị trường điện, đồng bộ với giá phát điện, bán buôn điện, sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm. Tách bạch rõ chi phí cho các hạng mục hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xây dựng và ban hành khung giá phát điện.
Hoàn thiện nghiên cứu khả thi các dự án điện miền Trung I, II và Dung Quất I, III đảm bảo tiến độ các dự án này đồng bộ với tiến độ triển khai dự án thượng nguồn.