Trao đổi kinh nghiệm về công tác cấp phép khảo sát cho dự án điện gió ngoài khơi
Ngày 8/6, tại Hà Nội, Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 3 (EVNPECC3) trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo Kinh tế biển và hải đảo: Công tác cấp phép khảo sát cho dự án điện gió ngoài khơi (SPOWP 2022).
Hội thảo đã có hơn 350 đại biểu và các đối tác từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, Chương trình Hỗ trợ phát triển năng lượng carbon thấp dành cho ASEAN, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, cùng sự tham gia của các chuyên gia, doanh nghiệp hàng đầu về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi trên thế giới.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Quốc Điền, Phó Tổng giám đốc EVNPECC3 cho biết: Hội thảo SPOWP 2022 được tổ chức với mục đích tạo ra một diễn đàn để các cơ quan Chính phủ Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách, các Đại sứ quán và bên liên quan chia sẻ những mối quan tâm hiện có, học hỏi kinh nghiệm quốc tế về công tác cấp phép khảo sát cho dự án điện gió ngoài khơi; đồng thời góp phần đề xuất cơ chế, chính sách cho việc phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo Kinh tế biển và hải đảo: Công tác cấp phép khảo sát cho dự án điện gió ngoài khơi
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có đường bờ biển trải dài hơn 3.000 km với 28 tỉnh, thành phố ven biển. Vì vậy, tiềm năng phát triển năng lượng gió tại Việt Nam vô cùng lớn. Những tiến bộ công nghệ đạt được trong thời gian qua cũng đã tăng cường tính ổn định và khả thi của điện gió ngoài khơi. Với việc đầu tư vào hệ thống truyền tải cũng như điều độ thông minh, điện gió ngoài khơi hoàn toàn có tiềm năng để trở thành một trong những nguồn cung chủ đạo của hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai, qua đó giảm sự lệ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Tuy nhiên, hiện nay, điện gió ngoài khơi vẫn được coi là lĩnh vực mới ở Việt Nam. Việc hiện thực hóa, cụ thể hóa chỉ đạo yêu cầu “xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam” nêu tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị của các cấp, các ngành còn gặp nhiều vướng mắc.
Theo ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ, phương án phát triển điện lực sẽ dựa trên nguyên tắc đảm bảo việc trung hòa carbon vào năm 2050. Trong đó, phương án phụ tải cơ sở đối với điện gió ngoài khơi chưa phát triển tới năm 2030 nhưng sẽ đạt 30.000MW vào năm 2045. Đối với phương án phụ tải cao, điện gió ngoài khơi đạt 4.000MW vào năm 2030 và 64.500MW vào năm 2045. Như vậy tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn, có thể đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
Tại hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ về hiện trạng hệ thống lưới điện ở Việt Nam, kinh nghiệm cấp phép khảo sát cho dự án điện gió ngoài khơi từ một số quốc gia bao gồm Đức, Vương quốc Anh và Đan Mạch.
Kết luận hội thảo, đại diện EVNPECC3 khẳng định các ý kiến góp ý tại hội thảo sẽ được tổng hợp, nghiên cứu để góp phần giúp các nhà hoạch định cùng các bên liên quan có cách tiếp cận phù hợp đối với việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Tiến Đạt