Thêm 7 dự án phát điện lên lưới, 40 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm
Hết ngày 31-5, đã có 9/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó 7 dự án phát điện lên lưới.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin, tính đến 17h30 ngày 31-5, đã có 9/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD); trong đó có 7 dự án/phần dự án với tổng công suất 430,22MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.
Đến nay, có 59/85 dự án với tổng công suất 3.389,811MW đã gửi hồ sơ để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 50 dự án (tổng công suất 2.751,611MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7-1-2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 46/50 dự án.
Thông tin từ Cục Điều tiết Điện lực, đến hết ngày 31/5/2023, Bộ Công Thương đã nhận được hồ sơ của 40/44 nhà máy (với tổng công suất là 2.368,711 MW) đã được EVN và chủ đầu tư thống nhất giá tạm, Bộ Công Thương đã phê duyệt 40 nhà máy điện.
Như vậy, đã có 20 nhà máy điện với tổng công suất 1.314,82 MW hòa lưới điện (bao gồm các nhà máy đã hòa lưới và COD).
Về nghiệm thu, cấp giấy phép: Đã có 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình hoặc một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy hoặc một phần nhà máy; 22 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Tích cực triển khai thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện Bộ Công Thương và EVN đang nỗ lực, tập trung cao tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với mục tiêu đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp sớm phát điện lên lưới nhưng vẫn đảm bảo đúng các quy định pháp luật. EVN cũng đã đăng tải công khai và cập nhật thường xuyên thông tin tình hình thủ tục thực hiện các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.