Một "đại gia" dầu khí trên sàn chứng khoán lấn sân đầu tư vào năng lượng tái tạo
PVS đã được Đại hội cổ đông thông qua việc mở rộng các ngành nghề sản xuất điện; truyền tải và phân phối điện; xây dựng các công trình công nghiệp - năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy triều).
Đại hội cổ đông Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã: PVS) mới đây đã thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bao gồm: sản xuất điện; truyền tải và phân phối điện; xây dựng các công trình công nghiệp - năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, thủy triều); xây dựng công trình khác không phải nhà...
Công ty cho biết, các lĩnh vực mới này sẽ phát huy năng lực, kinh nghiệm và thế mạnh đã được khẳng định trong nhiều dự án dầu khí mà PVS đã triển khai thành công, đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng theo xu hướng của thế giới xanh, sạch, bền vững, tăng năng lượng tái tạo cũng như để tìm kiếm cơ hội, gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh các dự án dầu khí suy giảm do ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Được biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) - cổ đông lớn nhất đã chấp thuận cho PVS bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh chính.
Đây là dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của PVS trong thời gian tới, phù hợp với định hướng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam đang xây dựng các chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững theo cam kết của Chính phủ với quốc tế về giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính với mục tiêu đạt zero vào năm 2050. Theo đó, Chính phủ sẽ ưu tiên tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch nhằm đảm bảo phù hợp với quy hoạch điện lực quốc gia và điện gió là lĩnh vực có tiềm năng phát triển.
Với chiều dài bờ biển hơn 3.000km, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên gió tốt nhất trong khu vực. Đặc biệt, theo nghiên cứu của Tổ chức BVG do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ, một số khu vực có tốc độ gió lên đến 7m/s, tương đương với tốc độ gió trung bình tại Hà Lan, nơi nổi tiếng về lĩnh vực điện gió. Với năng lực và kinh nghiệm là nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật dầu khí, đặc biệt là ngoài khơi, PVS đang có rất nhiều thuận lợi trong việc đi đầu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
PVS không phải "tay mơ" trong lĩnh vực điện gió, doanh nghiệp đã tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió gần bờ tại khu vực Tây Nam Bộ như vận chuyển, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm. Bên cạnh đó, PVS cũng đang cung cấp dài hạn tàu chuyên dụng phục vụ công tác vận chuyển nhân sự, thiết bị vận hành và bảo dưỡng tại dự án điện gió Bình Đại – Bến Tre và dự án điện gió tại Trà Vinh.
Hiện PVS đang thực hiện hợp đồng cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR đo gió, thủy văn cho dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long của khách hàng Enterprize Energy tại khu vực biển Bình Thuận. Tại thị trường nước ngoài, PVS đã thắng thầu quốc tế gói thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi (offshore substation – OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Hai Long 2 và 3 tại Đài Loan.
Với việc bổ sung đầu tư điện gió ngoài khơi vào ngành nghề kinh doanh, PVS hiện là đơn vị duy nhất trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có đầy đủ chức năng, cơ sở pháp lý để thực hiện công tác đầu tư, phát triển và vận hành khai thác các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Xét ở góc độ tài chính, sau khi kinh doanh ngày càng lao dốc do ảnh hưởng bởi giá dầu, PVS cũng cần tìm hướng đi mới đột phá, mở rộng ngành nghề kinh doanh để đưa doanh nghiệp phát triển hơn nữa.
Quý 3, doanh thu thuần PVS giảm 33,3% so với cùng kỳ, còn 3.980 tỷ đồng. Trong khi đó tỷ lệ giảm chi phí giá vốn thấp hơn, chỉ 31,8% dẫn đến lợi nhuận gộp thu được từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 204 tỷ đồng, giảm hơn nửa so với con số 432 tỷ đồng ghi nhận quý 3 năm ngoái.
Các công ty liên doanh liên kết mang về 198 tỷ đồng lợi nhuận, tăng rất nhiều so với số lỗ hơn 36 tỷ đồng ghi nhận trong quý 3/2020. Ngoài ra công ty còn có khoản thu nhập khác hơn 56 tỷ đồng là khoản hoàn nhập dự phòng bảo hành các dự án cơ khí đã hoàn thành nghĩa vụ bảo hành theo quy định. Kết quả, quý 3/2021 Kỹ thuật dầu khí PTSC lãi sau thuế 240 tỷ đồng, tăng 8% so với quý 3 năm ngoái, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 221 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 doanh thu công ty đạt 9.651 tỷ đồng, giảm 34,5% so với cùng kỳ và hoàn thành hơn 96% kế hoạch năm. Lãi sau thuế của PVS 575 tỷ đồng, giảm 9,4% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm 2020, hoàn thành và vượt 2,7% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.
PVS có tổng tài sản vượt 24.600 tỷ động, với tổng nợ phải trả vượt 11.000 tỷ đồng. Hiện PVS có hơn 8.000 tỷ tiền mặt gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn tại các ngân hàng nên lấn sân các lĩnh vực mới, công ty đã có nguồn vốn sẵn có.