Giảm khâu trung gian có giúp giảm giá xăng dầu?
Ngoài việc "thúc" Bộ Công thương khẩn trương trình dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu, Chính phủ còn yêu cầu việc sửa đổi này phải giảm khâu trung gian trong lưu thông, phân phối xăng dầu…
"Cắt" thương nhân phân phối, ai đưa xăng dầu lên vùng núi?
Cụ thể, tại công văn 1125 góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95 và Nghị định số 83 về kinh doanh xăng dầu gửi Bộ trưởng Bộ Công thương mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi. Mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khoa học, hài hòa, hợp lý, hiệu quả. Đáng chú ý, Phó thủ tướng nhấn mạnh việc sửa đổi nghị định phải giảm được khâu trung gian trong lưu thông, phân phối và kinh doanh xăng dầu, giảm đầu mối quản lý, tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, điều hành xăng dầu, tháo gỡ được vướng mắc và những phát sinh thời gian qua.
Chính phủ yêu cầu xây dựng nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu phải giảm khâu trung gian trong lưu thông, phân phối |
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty TNHH MTV xăng dầu Chiến Thắng (tỉnh Yên Bái), cho rằng ý kiến giảm khâu trung gian có thể xuất phát từ một số phản ánh cho rằng trung gian "ăn dày" vào giá. Khái niệm này có thể đúng với bán lẻ hàng hóa tiêu dùng, người bán tự đưa ra giá, kiểu thuận mua vừa bán, không có chuyện nhà nước áp giá bán lẻ như giá xăng dầu hiện nay.
"Tôi nói thẳng chẳng có trung gian hay nhà phân phối nào ăn dày được giá bán lẻ xăng dầu, khiến doanh nghiệp (DN) bán lẻ lỗ vì phân phối cả. Có chăng, chỉ từ DN đầu mối. Đầu mối chi phối giá bán lẻ theo giá cơ quan quản lý đưa ra tại mỗi kỳ điều hành. Thương nhân phân phối hay bán lẻ đều theo giá của đầu mối. Thế nên mới có câu chuyện quý cuối năm 2022, trong khi hàng trăm ngàn DN phân phối, bán lẻ đều bị thua lỗ nhưng đầu mối lại lãi đậm. Cắt bớt khâu trung gian không bao giờ khiến giá bán lẻ giảm được vì mọi chi phí, lợi nhuận trong giá xăng dầu đều được tính trong giá cơ sở. Vấn đề là đầu mối có chịu đưa chi phí về cho phân phối, bán lẻ hay không mà thôi", bà Sinh nói.
Công ty xăng dầu Chiến Thắng của bà Sinh hiện có 7 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và 10 đại lý phân phối. Các đại lý bán lẻ chỉ bán cho khách hàng tại chỗ, chạy xe đến cây xăng hoặc mang can ra cây xăng mới mua được, còn cung cấp xăng dầu cho nhà máy, công trình, mỏ khai thác trong núi... thì chỉ có thương nhân phân phối thực hiện vì họ có phương tiện vận tải chở tận nơi.
Chẳng hạn, DN đầu mối cung cấp hàng từ cảng Hải Phòng cho hệ thống đại lý của họ thì cũng chở được lên Hà Nội. Còn đưa đi các tỉnh, vùng sâu, vùng xa là do thương nhân phân phối đảm trách xưa nay. Thế nên, nếu không có khâu trung gian là thương nhân phân phối thì cả nhập khẩu và sản xuất xăng dầu sẽ bị đình trệ, ảnh hưởng cho hệ thống phân phối ở đây. "Nên nhớ là thương nhân phân phối đa phần có mức chiết khấu cho bán lẻ cao hơn đầu mối. Chẳng hạn như hôm nay, phân phối đưa ra mức chiết khấu cho đại lý là 1.300 đồng/lít xăng, dầu 1.800 đồng/lít, nhưng đầu mối lớn phân bổ chiết khấu về bán lẻ chỉ lần lượt 1.100 đồng và 1.500 đồng/lít", bà Sinh nói.
Để bảo đảm tính cạnh tranh, nên chăng nghị định sửa đổi cho thương nhân phân phối mua hàng trực tiếp từ nhà máy lọc hóa dầu trong nước. Hiện phân phối đang mua từ đầu mối nhập khẩu, nhưng sản xuất trong nước cũng phải mua qua đầu mối, thêm tầng nấc ở đây là không cần thiết và chưa bảo đảm tính cạnh tranh bền vững trong hệ thống. Ông Văn Tấn Phụng, Tổng giám đốc Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Nai |
Đồng quan điểm, ông Văn Tấn Phụng, Tổng giám đốc Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Nai, bày tỏ quan điểm: "Thương nhân phân phối chỉ khác đầu mối là không có chức năng nhập khẩu, còn lại đa số là những DN rất lớn, là khâu quan trọng trong hệ thống xăng dầu. Họ có thể coi như "cánh tay nối dài" giúp nhà nhập khẩu đưa hàng hóa đến tay nhà bán lẻ, duy trì và cung ứng xăng dầu cho hệ thống bán lẻ. Chúng tôi giúp thị trường cạnh tranh tốt hơn chứ không phải chỉ là trung gian, hiểu theo nghĩa mua về kiếm lợi nhuận. Đặc biệt, thương nhân phân phối có thể chia sẻ nguồn cung, nhằm duy trì ổn định nguồn hàng cho hệ thống khi nhập khẩu bị trục trặc vì giá cao, tỷ giá biến động… Trong thực tế, thương nhân phân phối đôi khi là "bệ đỡ tài chính" cho đầu mối, khi họ mua hàng phải thanh toán 100% cho đầu mối trước, mua đứt bán đoạn, có khi lên hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng, nhưng khi đưa về đại lý thì đa phần cho đại lý nợ gối đầu".
Lý giải rõ hơn, ông Phụng nói một đầu mối nhập khẩu xăng dầu về cảng khu vực TP.HCM, Hải Phòng… nhưng nhiệm vụ đưa về các tỉnh miền núi phía bắc, miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ, Tây nguyên… là của phân phối. Một DN bán lẻ tại Đắk Lắk không thể đánh xe mất một ngày để vào kho Nhà Bè mua xăng được. "Tôi hiểu chỉ đạo của Chính phủ là cần thiết sắp xếp lại khâu phân phối, có thể giảm tổng đại lý. Để bảo đảm tính cạnh tranh, nên chăng nghị định sửa đổi cho thương nhân phân phối mua hàng trực tiếp từ nhà máy lọc hóa dầu trong nước. Hiện phân phối đang mua từ đầu mối nhập khẩu, nhưng sản xuất trong nước cũng phải mua qua đầu mối, thêm tầng nấc ở đây là không cần thiết và chưa bảo đảm tính cạnh tranh bền vững trong hệ thống", vị này đề xuất.
Sắp xếp "tổng đại lý"
Theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, việc sắp xếp, giảm khâu trung gian trong lưu thông, phân phối kinh doanh xăng dầu theo yêu cầu của Chính phủ là thực chất giảm tổng đại lý, nằm ở tầng nấc thứ 2 trong chuỗi phân phối, chứ khó giảm thương nhân phân phối vì đa số là DN lớn. Hiện hệ thống phân phối xăng dầu gồm 3 tầng. Đó là DN đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý, DN bán lẻ và đại lý nhượng quyền. Nhiều tổng đại lý thực chất đang đảm nhiệm vai trò "mua đi bán lại" kiếm lời và nhiều nơi không đầu tư kho chứa theo quy định và từng bị phạt vi phạm hành chính… Thế nên, việc cần sắp xếp, cắt giảm là ở khâu "tổng đại lý". Theo đó, chi phí bán hàng dành cho khâu bán lẻ được bảo đảm ổn định hơn.
Thường một hệ thống phân phối, bộ máy quản lý càng được tinh gọn bao nhiêu, lợi nhuận của nhà bán lẻ sẽ tốt hơn, người tiêu dùng cũng hưởng lợi hơn. PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính |
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cũng đồng ý nên giảm tầng nấc thứ 2 này nhưng bao gồm cả thương nhân phân phối và tổng đại lý. Chính phủ không bắt buộc giảm ngay nhưng cơ quan quản lý là Bộ Công thương phải xem xét giảm thế nào cho hợp lý. Nếu phát hiện thương nhân phân phối/tổng đại lý nào hoạt động không ổn, gây chồng chéo, nguy cơ tăng chi phí cho hệ thống, đẩy giá bán lẻ lên thì nên cắt giảm lại. Trong quy định kinh doanh xăng dầu, chỉ có vai trò đầu mối, tổng đại lý và đại lý mà thôi. Bộ Công thương quản lý toàn bộ ngành dọc về kinh doanh xăng dầu kể cả về đầu mối, trung gian, đơn vị phân phối và bán lẻ ở cả 63 tỉnh, thành, thậm chí quản lý cả toàn bộ trạm xăng dầu vì liên quan đến việc cấp phép đủ điều kiện kinh doanh hay không.
Hay nói đúng hơn, theo TS Thịnh, đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nên cơ quan cấp phép là Bộ Công thương phải có trách nhiệm giám sát xem DN có nhập xăng, dầu không, nhập tháng nào, nhập số lượng bao nhiêu. Thế nên, về cơ cấu tổ chức, không cần thiết phải dàn trải tầng nấc bởi sẽ có những thị trường sát cảng, nhà máy không cần qua nhiều trung gian. Nếu giảm bớt khâu trung gian, giá bán lẻ tại vùng 1 (gần cảng, kho - PV) sẽ thấp hơn, kéo theo giá bán lẻ vùng 2 (xa kho, cảng - PV) giảm theo bởi bớt được chi phí.