Giá xăng trong nước có thể giảm, chấm dứt mạch tăng 6 phiên liên tiếp
Theo nhiều dự báo, giá xăng trong nước đầu tuần tới có thể giảm nhẹ theo diễn biến của giá thế giới, còn giá dầu được dự báo tăng nhẹ.
Sau nhiều phiên đi lên liên tục, giá của hai loại dầu chuẩn trên thị trường thế giới là dầu WTI và dầu Brent có thời điểm quay đầu giảm nhẹ.
Trước diễn biến này, nhiều ý kiến dự báo, giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh 11/9 tới có thể được điều chỉnh giảm nhẹ, chấm dứt mạch tăng 6 phiên liên tiếp trước đó.
Trả lời VTC News , ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc cho rằng, giá xăng dầu trong nước liên quan đến giá dầu thô thế giới và giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore. Hiện giá dầu thô thế giới và giá xăng ở Singapore trong xu hướng giảm nhẹ. Do vậy, rất có thể liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ giảm giá xăng bán lẻ, tuy nhiên mức giảm không đáng kể.
“Nếu không có sự đột biến nào, giá xăng trong nước có thể giữ nguyên hoặc giảm 100 - 150 đồng/lít tùy loại, giá dầu có thể tăng nhẹ, khoảng 200 đồng/lít, kg. Nếu liên bộ trích quỹ bình ổn giá xăng dầu thì mức điều chỉnh có thể khác nhau”, ông Tây nói.
Bà Phùng Thị Hồng, Giám đốc doanh nghiệp đầu mối Hồng Minh (Đắk Lắk) cũng có dự đoán tương tự.
“Giá xăng bán lẻ trong nước có thể giảm nhẹ khoảng 50 - 100 đồng/lít, giá dầu có thể tăng 200 đồng/lít,kg, nếu cơ quan điều hành không trích quỹ bình ổn giá như kỳ trước", bà Hồng nói.
Còn ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Phương Nam (Lâm Đồng) cho rằng, nếu giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống thì trong kỳ điều hành ngày 11/9, giá xăng trong nước có thể giảm khoảng 200 - 300 đồng/lít, còn dầu diesel có thể tăng 300 đồng/lít,kg.
Như vậy, nhìn chung, nhiều chuyên gia đều dự báo giá xăng sẽ dứt mạch tăng sau 6 phiên liên tiếp, thay vào đó là có thể giữ nguyên hoặc đi xuống trong ngày 11/9 tới.
Hiện, giá bán các loại xăng dầu đang được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 5/9 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá bán lẻ xăng E5 RON92 tăng 132 đồng/lít, không cao hơn 23.471 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng 270 đồng/lít, không cao hơn 24.871 đồng/lít.
Giá dầu diesel cũng tăng 291 đồng/lít, lên mức 22.645 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 505 đồng/lít, lên mức 22.814 đồng/lít. Duy chỉ có giá dầu mazut giảm 277 đồng/kg, không cao hơn 17.704 đồng/kg.
Trong kỳ điều hành lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương không trích lập Quỹ quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, không chi quỹ đối với tất cả các mặt hàng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 25 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Sáng 9/9, giá dầu Brent lại đảo chiều tăng lên mức 90,65 USD/thùng - mức cao nhất trong 9 tháng, còn giá dầu WTI giao dịch ở mức 86,67 87,51 USD/thùng, tăng 0,84 USD/thùng so với đầu giờ sáng qua.
Nguyên nhân giá dầu thô thế giới tăng là do giá dầu diesel kỳ hạn của Mỹ tăng và lo ngại về nguồn cung dầu thắt chặt sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung đến hết năm.
Tuần này, thành viên OPEC là Saudi Arabia và Nga đã gia hạn việc cắt giảm nguồn cung tự nguyện tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm. Trong một lưu ý, các nhà phân tích của Commerzbank cho rằng Saudi Arabia có thể sẽ khó kết thúc việc cắt giảm sản lượng tự nguyện vào cuối năm nay mà không gây ra sự sụt giảm giá.