Giá dầu hồi phục mạnh mẽ trước căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), lực mua chiếm áp đảo trong tuần giao dịch vừa qua (21 – 27/10) kéo chỉ số MXV-Index tăng gần 1,7% lên 2.193 điểm. Đáng chú ý, trên thị trường năng lượng, giá của toàn bộ 5 mặt hàng rực xanh, trong đó giá hai mặt hàng dầu tăng hơn 4%. Trong khi đó, nhóm mặt hàng nguyên liệu công nghiệp diễn biến ngược chiều với xu hướng chung của toàn thị trường. Riêng giá cà phê Robusta ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp xuống mức thấp nhất trong vòng hơn hai tháng.
Giá dầu thế giới tăng hơn 4%
Sau đợt bán tháo mạnh vào tuần trước, giá dầu thế giới đã hồi phục hơn 4% trong tuần giao dịch qua. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 4,5%, đạt 71,78 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent cũng tăng 4,09% lên mức 76,05 USD/thùng. Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông được cho là nguyên nhân chính hỗ trợ giá dầu.
Israel đã tiến hành các cuộc không kích vào Thủ đô Damascus của Syria vào sáng sớm ngày 24/10, truyền thông nhà nước Syria cho biết. Đây là cuộc tấn công mới nhất trong chiến sự ở dải Gaza. Hai ngày sau đó, Israel tiếp tục cuộc tấn công vào miền Nam Lebanon khiến ba nhà báo thiệt mạng đã dấy lên lo ngại về rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu tại khu vực Trung Đông, từ đó hỗ trợ sự hồi phục của giá dầu thế giới.
Về nhu cầu, mới đây, các nhà phân tích của Ngân hàng JP Morgan cho biết nhu cầu dầu chưng cất mạnh hơn đã phần nào hỗ trợ giá dầu. Họ lưu ý đến nhu cầu du lịch mạnh mẽ ở châu Á và sự sụt giảm liên tục trong kho dự trữ sản phẩm chưng cất tại một số thị trường lớn. JP Morgan cho biết thêm rằng nhu cầu về sản phẩm chưng cất trong quý IV có thể vượt quá kỳ vọng của thị trường.
Thêm vào đó, nhà phân tích tại Công ty tài chính StoneX, cho rằng nếu nền kinh tế Trung Quốc có sự cải thiện, nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, các biện pháp kích thích từ Trung Quốc cần thời gian để phát huy tác dụng và điều này có thể kéo dài trong vài tháng tới.
Một số nhà phân tích khác lại cho rằng thị trường năng lượng có thể biến động mạnh hơn trong giai đoạn quan trọng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngay sau đó, thị trường lại đối mặt với quyết định về lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại cuộc họp tháng 11/2024 tới.
Giá cà phê giảm tuần thứ 4 liên tiếp
Khép lại tuần giao dịch vừa qua, sắc đỏ bao phủ toàn bộ nhóm nguyên liệu công nghiệp, trong đó nổi bật là đà giảm của mặt hàng cà phê. Cụ thể, giá cà phê Robusta giảm tuần thứ 4 liên tiếp, về mức thấp nhất trong hơn hai tháng, trong khi cà phê Arabica cũng quay đầu giảm sau tuần khởi sắc trước đó. Thị trường chịu áp lực kép từ kỳ vọng nguồn cung cải thiện và biến động tỷ giá.
Kết thúc tuần, giá cà phê Robusta giảm 4,42% xuống còn 5.476,28 USD/tấn, trong khi giá cà phê Arabica đánh mất 3,46% về mức 4.411 USD/tấn.
Trong bối cảnh đó, thị trường đón nhận tín hiệu tích cực về điều kiện thời tiết tại Brazil. Theo báo cáo của Công ty Somar Meteorologia, lượng mưa tại bang Minas Gerais - vùng trồng cà phê lớn nhất nước này đạt khoảng 36,8 mm trong tuần trước, tương đương 115% mức trung bình lịch sử. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình ra hoa và tạo quả non của cây cà phê vụ 2025-2026.
Tuy nhiên, giới phân tích và nông dân vẫn thận trọng về khả năng phục hồi sản lượng. Nguyên nhân là do mưa đến muộn hơn bình thường có thể ảnh hưởng đến khả năng phục hồi hoàn toàn của cây trồng. Bên cạnh đó, việc dự báo chính xác năng suất vụ 2025-2026 vẫn còn quá sớm.
Đối với thị trường cà phê Robusta, hoạt động thu hoạch tại Việt Nam đang là tâm điểm chú ý. Mặc dù tổng sản lượng vụ 2024-2025 dự kiến giảm so với vụ trước, nguồn cung mới vẫn được kỳ vọng sẽ góp phần cân bằng thị trường trong thời gian tới.
Về yếu tố vĩ mô, chỉ số đồng USD (DXY) tăng tuần thứ 4 liên tiếp khiến tỷ giá USD/BRL lên mức cao nhất trong hơn hai tháng. Điều này làm dấy lên lo ngại Brazil sẽ đẩy mạnh xuất khẩu để hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá, từ đó tạo thêm áp lực giảm giá.
Trên thị trường nội địa, giá cà phê ngày 28/10 có sự phân hóa giữa các khu vực. Tại cảng Vũng Tàu, giá cà phê kỳ hạn giao tháng 12/2024 dao động trong khoảng 109.400 - 110.000 đồng/kg, tăng khoảng 80% so với mức 61.000 đồng/kg cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm gần 10% so với mức đỉnh 121.000 đồng/kg đạt được trong tháng 9. Trong khi đó, giá giao dịch tại cảng Cái Lân thấp hơn từ 50-100 đồng/kg.