Chuẩn bị sẵn kịch bản để cấp điện năm 2025
Là doanh nghiệp giữ vai trò trụ cột thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện cho cả nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong cung ứng điện khi phụ tải, nhu cầu sử dụng điện liên tục lập kỷ lục và tăng cao so với kế hoạch đặt ra.
Song với chỉ đạo thường xuyên, liên tục và đặc biệt là những giải pháp tháo gỡ vướng mắc của Chính phủ, Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã giúp tập đoàn này hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng điện cho phát triển đất nước.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 152,347 tỷ kWh, cao hơn 12,43% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, theo tính toán của EVN, trong 6 tháng cuối năm 2024, hệ thống điện cơ bản được đảm bảo, dự báo sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu tương đương với kế hoạch đã được phê duyệt.
Không chỉ nhu cầu điện tăng cao, mà tác động từ giá nhiên liệu cũng đang khiến ngành điện gặp khó. Theo báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024 của Công ty mẹ EVN cho biết: Năm vừa qua tiếp tục là một năm hết sức khó khăn đối với EVN và các đơn vị thành viên trong việc cân đối tài chính do giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng cao.
Mặc dù đã nỗ lực thực hiện các giải pháp trong nội tại của EVN như tiết kiệm chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn; tối ưu hóa dòng tiền, hoạt động tài chính; vận hành tối ưu nguồn điện; triển khai các giải pháp về tài chính như tăng thu tối đa cổ tức từ các đơn vị thành viên... nhưng theo ông Võ Quang Lâm, do giá thành khâu phát điện tăng quá cao dẫn tới chi phí sản xuất, kinh doanh điện của EVN tăng cao, gây áp lực lên cân bằng tài chính của Tập đoàn.
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2023 mới đây, EVN đã lỗ hơn 25.500 tỷ đồng (trước thuế), trong khi năm 2022 đã lỗ 18.600 tỷ đồng. Các khoản lỗ này chưa bao gồm chênh lệch tỷ giá.
Chủ tịch HĐTV EVN Đặng Hoàng An từng chia sẻ, việc đảm bảo cân đối tài chính, đảm bảo cung ứng điện, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện và phải đưa vào vận hành đúng tiến độ các công trình đầu tư xây dựng là những khó khăn, thách thức rất lớn mà EVN đang phải đối mặt.
Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch năm nay với 10 mục tiêu, giải pháp trọng tâm; trong đó, yêu cầu đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời đảm bảo cân bằng tài chính để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển.
Mặc dù đang chịu nhiều tác động, EVN xác định 6 tháng cuối năm 2024, cung ứng điện tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Việc chỉ đạo điều hành và huy động các nguồn điện trong 6 tháng cuối năm vừa phải đáp ứng yêu cầu cung ứng điện, vừa chuẩn bị sẵn sàng phương án, kịch bản để cấp điện năm 2025...
Theo đó, Tập đoàn sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến khí tượng, thủy văn, tình hình nhiên liệu, khả dụng tổ máy và tăng trưởng phụ tải để kịp thời cập nhật điều chỉnh phương thức vận hành phù hợp. Song song đó, EVN cũng chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chuẩn bị tích nước, sử dụng nước cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc hoàn toàn việc xả nước từ các hồ thuỷ điện, tiết kiệm tối đa nguồn tài nguyên nước.
Các Tổng công ty phát điện tập trung theo dõi cung ứng than, chuẩn bị các phương án dự phòng nhiên liệu cho sản xuất điện và duy trì mức tồn kho theo quy định; chuẩn bị sẵn sàng vật tư thiết bị và phương án xử lý sự cố để sẵn sàng, chủ động xử lý nhanh sự cố nếu có xảy ra.
Tập đoàn và các đơn vị thành viên sẽ tiếp tục tập trung các lực lượng tại các công trường, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nguồn điện, lưới điện trọng điểm; trong đó, đẩy nhanh tiến độ thi công, đóng điện toàn tuyến Dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối vào tháng 7/2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để đảm bảo dòng điện, tập đoàn này cũng khẩn trương hoàn thành các công trình lưới điện để tăng cường nhập khẩu điện như: đường dây 500 kV Monsoon - Thạnh Mỹ, trạm cắt 220 kV Đắk Ooc và đường dây đấu nối, đường dây 220 kV Nậm Sum - Nông Cống.
Đặc biệt, trong buổi làm việc với EVN đầu năm Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu ngành điện không được để xảy ra thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào; tổ chức quản lý, vận hành theo quy luật cạnh tranh, cung cầu, nhưng phải có chính sách ưu tiên, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng đó, tái cấu trúc Tập đoàn để vận hành theo quy luật thị trường, theo hướng cân đối được tài chính, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục được hạn chế, yếu kém, gắn với phòng, chống tiêu cực và bảo vệ, khuyến khích người dám nghĩ, dám làm.
Về xây dựng, thực hiện các Chiến lược trung và dài hạn, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở các Chiến lược về năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, EVN phải tập trung hoàn thiện xây dựng và thực hiện tốt chiến lược trung và dài hạn về phát triển về năng lượng, chiến lược, kế hoạch phát triển điện lực phù hợp với xu thế mới, đồng thời xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với các vấn đề đột xuất, bất ngờ…
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không phải vì thiếu điện mới cần tiết kiệm điện, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn và nâng cao được ý thức của người dân, coi điện là tài nguyên quý giá.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho rằng, vấn đề đầu tiên trong tiết kiệm điện liên quan đến nhận thức, bởi thói quen được xây dựng qua quá trình lâu dài chứ không phải thông qua những phong trào mang tính chất ngắn hạn. Đây cũng là lý do Chính phủ, Bộ Công Thương liên tục đưa ra những yêu cầu, chỉ thị, hướng dẫn trong câu chuyện tiết kiệm điện nhằm tạo ra thói quen, nhận thức mới của người tiêu dùng từ các hộ gia đình tới các doanh nghiệp...