Chuẩn bị cho lộ trình tăng giá điện: Những việc cần làm ngay
Ngày 3/2/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân” mới - với khung giá sàn và giá trần đều tăng so với Khung giá cũ.
Như vậy, lộ trình điều chỉnh tăng giá điện đã khá rõ ràng. Theo các chuyên gia, đây là thời điểm mà Chính phủ và các bộ ngành cần đánh giá kỹ các tác động của việc tăng giá điện đối với sản xuất và đời sống để quyết định mức tăng phù hợp. Và đâu là những việc cần làm ngay để chuẩn bị cho lộ trình tăng giá điện của Chính phủ trong thời gian tới?
Trước biến động giá tăng cao của các loại nhiên liệu/năng lượng như than đá, dầu thô và xăng dầu thành phẩm… trên thị trường thế giới trong khoảng 2 năm trở lại đây đã tác động mạnh tới thị trường trong nước, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu, điện năng, đặc biệt là ảnh hưởng tới công tác đầu tư vào ngành điện.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng: “Đã đến lúc chúng ta cần xem xét tăng giá một số mặt hàng công cộng, ví dụ như điện, nước, xăng dầu hay giáo dục, y tế… Nhưng việc tăng giá bao nhiêu, thời gian thế nào, mức độ ra sao thì cần phải được tính toán một cách rất cẩn trọng, để từ đó không gây nên sự xáo trộn trong mặt bằng giá cả của nền kinh tế cũng như đảm bảo nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh cũng như đảm bảo an sinh xã hội; Và trên cơ sở đó tiếp tục giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế và giúp cho việc kiểm soát lạm phát ở mức thấp nhưng tăng trưởng (GDP) có thể đạt cao nhất”.
Cần tính toán kỹ tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện tới việc đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát - đó là yêu cầu đầu tiên được các chuyên gia nhấn mạnh. Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá - nguyên là Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, do điện là nguồn đầu vào thiết yếu, đặc biệt quan trọng cho mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội nên tác động cả trực tiếp và gián tiếp lên lạm phát. Do vậy, việc tăng giá điện cần tính đến lộ trình “2 bước” để phù hợp với sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
“Nếu thực hiện ngay và thực hiện đúng nguyên tắc của Luật Giá - là giá phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh cho ngành điện - thì mức điều chỉnh giá điện phải tăng khoảng 15% so với giá bán hiện hành. Tuy nhiên, ở mức điều chỉnh này thì có thể sẽ có những tác động khá mạnh. Bởi vì nếu tính ra, với 15% điều chỉnh giá lên thì sẽ đẩy lạm phát trực tiếp vòng 1 tăng khoảng 0,5% chưa kể tác động đến vòng hai…
Do vậy, để giảm thiểu tác động của giá điện lên sản xuất, đời sống và lạm phát thì tôi cho rằng có thể tính tới chia lộ trình điều chỉnh ra làm 2 đợt, và mỗi đợt điều chỉnh tăng khoảng từ 7-8%. Với mức điều chỉnh này thì nó chỉ đẩy lạm phát vòng 1 của đợt 1 lên khoảng 0,2%... Với chi phí của ngành điện tăng cao như vậy thì có thể cân nhắc, tính toán để điều chỉnh. Cũng có thể điều chỉnh ngay, nhưng đồng thời cũng phải có ngay những biện pháp quyết liệt để hạn chế tác động lan tỏa của việc điều chỉnh giá điện” - ông Nguyễn Tiến Thoả nói.
Cuộc khủng hoảng (thiếu) năng lượng trên thế giới với tình trạng giá tăng cao đã tác động trực tiếp tới nhiều quốc gia châu Âu ở cả góc độ đầu tư và tiêu dùng năng lượng. Bên cạnh việc tự nguyện tiết giảm tiêu dùng xăng dầu, điện, gas của người dân, nhiều Chính phủ đã đưa ra các chính sách tiết kiệm năng lượng “thắt chặt’ hơn. Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo theo hướng “tự dùng”.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh Hà Đăng Sơn cho rằng, việc kiềm giữ giá điện trong một khoảng thời gian dài (tới 4 năm) trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao cùng với xu thế phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ trên thế giới không chỉ gây khó khăn cho ngành điện trong thu hút đầu tư vào các nguồn năng lượng mới mà cả trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện một cách phù hợp sẽ giúp giải quyết cả 2 vấn đề lớn này, trong đó có việc giải toả công suất nguồn điện từ năng lượng tái tạo (NLTT).
“Với kỳ vọng rằng giá điện bán lẻ sắp tới sẽ được điều chỉnh tăng lên thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng sẽ có điều kiện tài chính tốt hơn để có thể tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án truyền tải điện, để qua đó giúp giải tỏa công suất cho một số các dự án hiện nay vẫn đang bị nghẽn và chưa huy động được công suất tối đa của mình; Và đồng thời cũng có thể có điều kiện tốt hơn để có thể đưa ra những điều kiện đàm phán về giá cho các dự án NLTT chuyển tiếp ở mức giá chấp nhận được đối với các nhà đầu tư.
Còn với điều kiện tài chính không tốt của Tập đoàn Điện lực Việt Nam như thế này thì tôi cũng không kỳ vọng rằng là các doanh nghiệp NLTT của các dự án chuyển tiếp có thể có được cái giá mà nó ít nhiều có thể chấp nhận được, và có thể là phải chấp nhận những mức giá khá thấp. Việc thương thảo, đàm phán để ký hợp đồng mua bán điện là cực kỳ khó khăn do không thể nào thỏa mãn được mong muốn của cả hai bên” - chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn, nêu quan điểm.
Ở phía người tiêu dùng điện, đặc biệt là khối doanh nghiệp sử dụng nhiều điện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyên gia năng lượng Hà Đăng Sơn đưa ra khuyến cáo: “Một số ngành có chi phí điện năng khá lớn, và do đó những doanh nghiệp này sẽ là những doanh nghiệp mà bị tác động lớn nhất, và giải pháp đương nhiên - thứ nhất là phải tăng cường các hoạt động đầu tư liên quan đến vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là cần phải cân nhắc sử dụng thêm những nguồn tự phát, tự dùng - ví dụ như điện mặt trời mái nhà, ví dụ như sử dụng sinh khối hoặc là những nguồn mua ở mức độ chúng ta có thể quản lý được, thì như thế nó sẽ tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào cung ứng từ phía Tập đoàn điện lực Việt Nam”.
Theo tính toán của Bộ Công Thương - cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng, năm 2023 sẽ không xảy ra tình trạng quá căng thẳng về nguồn điện do nhu cầu sử dụng điện được dự báo không cao hơn năm 2022, trong khi công suất đặt của các nguồn điện hiện hữu đã lên tới gần 80.000MW và một số dự án nguồn điện lớn như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 (công suất 1.200MW) dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ các tiêu chuẩn phát điện thương mại trong quý I/2023 sẽ hỗ trợ lớn cho việc đảm bảo cung ứng điện khu vực miền Bắc.
Tuy nhiên, để có thể thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án NLTT, nhất là các dự án của nhà đầu tư nước ngoài, cần phải giải quyết ngay “nút thắt” truyền tải điện, mà ở đó - không chỉ là câu chuyện đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện trong trước mắt, mà còn là giá, phí truyền tải phù hợp để có thể thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực truyền tải điện.