Cần làm gì để điện gió ngoài khơi Việt Nam 'cất cánh'?
Tập đoàn Ørsted cùng Tập đoàn T&T đang xây dựng phát triển danh mục dự án hàng chục GW điện gió ngoài khơi tại Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Bình, TP. Hải Phòng. Các dự án này hoàn thành có thể mang lại 5,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tạo ra khoảng 25.000 việc làm chất lượng cao.
Nội dung được ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia Tập đoàn Ørsted tại Việt Nam thông tin tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với chủ đề "Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển" vào sáng 17/9.
Tiền năng to lớn nhưng chưa được khai thác
Ørsted - tập đoàn năng lượng của Chính phủ Đan Mạch và là nhà phát triển điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới với hơn 30 năm kinh nghiệm trong phát triển, xây dựng và vận hành các trang trại điện gió ngoài khơi trên toàn cầu.
Kể từ khi xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới vào năm 1991 tại Đan Mạch, tập đoàn đã đi tiên phong khai mở và phát triển các thị trường mới tại châu Âu, Á, Mỹ. Hiện nay, tập đoàn đang nắm giữ 25% tổng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu.
Ông Sebastian Hald Buhl, Giám đốc quốc gia Tập đoàn Ørsted tại Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
"Đối với Việt Nam, thời điểm này phần lớn mọi người đều nhìn thấy và hiểu về những tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi", ông Sebastian Hald Buhl nói và cho biết đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác và cũng giống như tài nguyên dầu khí có thể mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể đồng thời giúp cung cấp lượng điện năng nội địa tin cậy, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của Việt Nam.
Giám đốc quốc gia Tập đoàn Ørsted cho rằng, hiện nay, toàn cầu đang trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng với giá các loại nguyên liệu than, dầu, khí tăng phi mã. Đây không phải là cuộc khủng hoảng năng lượng hóa thạch đầu tiên mà thế giới trải qua, và chắc chắn sẽ không phải là lần cuối cùng.
Vì vậy, điện gió ngoài khơi lúc này sẽ là một trong những giải pháp giúp đa dạng hóa hệ thống năng lượng một cách hiệu quả về chi phí.
"Tập đoàn Ørsted đã có thể hạ chi phí sản xuất các dự án của mình ở Đài Loan (Trung Quốc) khoảng 60% trong vòng 6 năm. Trong khi đó, các dự báo dài hạn về giá thành của các nhà máy điện than và khí chỉ cho thấy xuống hướng tiếp tục tăng”, ông Sebastian Hald Buhl lấy ví dụ.
Điện gió ngoài khơi còn là nguồn điện đáng tin cậy. Đường sản xuất của một trang trại điện gió ngoài khơi tiệm cận khá gần với các nhà máy nhiệt điện. Đơn cử quốc đảo như Vương quốc Anh, họ đã tăng gấp 3 lần tỷ lệ công suất điện gió ngoài khơi trong vòng 5 năm qua đồng thời tăng đáng kể an ninh năng lượng.
Đáng chú ý, Tập đoàn Ørsted hợp tác với một trong những tập đoàn kinh tế hàng đầu của Việt Nam - T&T và đang cùng nhau xây dựng phát triển danh mục dự án hàng chục GW điện gió ngoài khơi tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Bình, TP. Hải Phòng. Các dự án này có thể đưa vào hoạt động 2 GW điện gió ngoài khơi đầu tiên trước năm 2030.
"Chúng tôi ước tính mục tiêu này có thể mang lại 5,5 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và tạo ra khoảng 25.000 việc làm chất lượng cao", ông Sebastian Hald Buhl nhìn nhận và hy vọng tập đoàn sẽ xây dựng các dự án khác phù hợp với các mục tiêu công suất đã đề ra trong dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện VIII cho các năm 2035, 2040 và 2045.
Cần làm gì để "cất cánh"?
Theo ông Sebastian Hald Buhl, cùng với tầm nhìn dài hạn này, năm 2021, Tập đoàn Ørsted đã phát triển đội ngũ quản lý chuỗi cung ứng từ Việt Nam, giúp tập đoàn xây dựng và duy trì quan hệ hợp tác bền vững và nghiêm túc với các nhà cung ứng. Họ có thể cung cấp các cấu phần quan trọng giúp tập đoàn xây dựng các hệ thống nhà máy điện gió.
Nếu như Việt Nam muốn vươn đến các thị trường chất lượng cao hàng tỷ USD thì chúng ta cần phải bắt đầu triển khai các dự án ngay từ bây giờ. Trong đó, có 4 vấn đề có thể giúp công nghiệp điện gió ngoài khơi của Việt Nam cất cánh thành công.
Cụ thể, đầu tiên là Việt Nam cần nhanh chóng xét duyệt và cấp giấy phép khảo sát biển để các công việc phát triển dự án chính được khởi động.
Thứ hai, cần áp dụng một cơ chế cạnh tranh chuyển tiếp trong giai đoạn này để khơi động thị trường, đồng thời giúp Chính phủ có thể thời gian để xây dựng và thiết kế một cơ chế đấu thầu hiệu quả để áp dụng cho các mục tiêu lớn hơn vào năm 2035.
Thứ ba, hợp đồng mua bán điện điều chỉnh sẽ thu hút và huy động nguồn vốn cũng như giảm giá thành của điện gió ngoài khơi. Một số cải thiện chính của hợp đồng mua bán điện chẳng hạn như là điều khoản về bồi thường cắt giảm công suất sẽ giúp giảm đáng kể chi phí cho điện gió ngoài khơi đối với người tiêu dùng cuối tại Việt Nam.
Cuối cùng, Việt Nam cần phải gấp rút đẩy nhanh tiến độ phát triển thị trường nếu như muốn đạt được mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi vào năm 2030 vì thời gian tới đó thực sự không còn nhiều, trong khi các dự án điện gió ngoài khơi sẽ cần 6-8 năm để phát triển và hoàn thành.
Với một khung pháp lý hiệu quả và kịp thời, không có gì phải nghi ngờ về khả năng Việt Nam sẽ đạt được những gì mà ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi mà các thị trường đã phát triển chín muồi đạt được.
Tháng 7, Tập đoàn Ørsted vừa được Chính phủ Anh trao hợp đồng phát triển dự án điện gió ngoài khơi công suất 2,85 GW, có quy mô gấp đôi công suất của nhà máy điện hạt nhân lớn nhất hiện nay tại Anh. Và giá của đại dự án này là khoảng 60 $/MWh. Đây là mức giá còn thấp hơn mức mà Việt Nam đang chi trả cho nhiệt điện hiện nay.
"Tập đoàn Ørsted sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đánh thức và khai thác tiềm năng điện gió ngoài khơi của mình, và chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam và các nhà cung cấp nội địa trên con đường hướng tới mục tiêu này", ông Sebastian Hald Buhl khẳng định.