Bộ Công Thương lo chậm triển khai Quy hoạch điện VIII
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, từ nay đến năm 2030 chỉ còn chưa đầy 7 năm là một thách thức lớn khi Việt Nam vừa phát triển nguồn điện nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, một mặt vừa thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Bộ Công Thương cho biết, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa có cuộc họp Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi) với yêu cầu sẽ phấn đấu hoàn thành dự thảo trình Chính phủ trong tháng 7/2024.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, triển khai Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ký ban hành Quy hoạch điện VIII , trong đó mục tiêu đặt ra đến năm 2030, tổng công suất đặt hệ thống điện gấp 2 lần hiện nay (hiện tổng công suất đặt của hệ thống điện khoảng 80.000 MW), đến năm 2050, tổng công suất đặt gấp khoảng 4 lần hiện nay.
Từ nay đến năm 2030 chỉ còn chưa đầy 7 năm là một thách thức lớn. Việt Nam vừa phát triển nguồn điện nhằm đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, một mặt vừa thực hiện chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Như vậy ngành năng lượng Việt Nam cần nỗ lực cao nhất mới đạt được mục tiêu này. Cùng với đó, trong thời gian tới, Việt Nam phải giảm tối đa nhiệt điện than , ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và các nguồn điện mới thân thiện với môi trường (khí, amoniac xanh, hydrogen) và khi điều kiện kinh tế cho phép có thể phát triển điện hạt nhân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng ban hành Luật điện lực lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Dự án Luật phải kế thừa, phát huy được thành tựu đã đạt được và hiện thực hoá các quan điểm chỉ đạo Đảng tại Nghị quyết 55, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Dự án Luật cũng phải phù hợp với các cam kết quốc tế, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, các nguồn năng lượng mới, điện sạch ; phát triển lưu trữ điện và lưới điện thông minh…
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương - cho biết, dự án luật sẽ bám sát 6 chính sách lớn như chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Theo đó, sẽ xây dựng quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước đi kèm phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới.
Theo ông Hòa, luật sẽ hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực. Trong đó, sẽ quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện…
Ngày 15/5/2023, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền Thủ tướng, ký phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo Bộ Công Thương, Quy hoạch này được phê duyệt trong bối cảnh vài năm qua một số dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ vận hành, còn dự án mới chưa thể triển khai do chờ bổ sung quy hoạch.
Cụ thể, nhiều nguồn điện xây dựng chậm tiến độ, trong đó miền Bắc chậm 3.000 MW nguồn nhiệt điện, miền Nam hơn 3.600 MW và phát triển chưa phù hợp phân bố phụ tải. Việc chậm tiến độ ở hai miền gây nguy cơ thiếu điện, khó khăn trong vận hành do thiếu công suất nguồn dự phòng, nhất là tại miền Bắc đến 2025. Trong khi đó, với điện mặt trời , đến cuối 2020 đạt 8.700 MW, vượt hơn 9 lần công suất tại quy hoạch đưa ra trước đây và dự án chủ yếu tập trung tại miền Trung và Nam.
Theo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam xác định, tới năm 2030, công suất điện gió trên bờ khoảng 21.880 MW; điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) tăng thêm 2.600 MW. Điện sinh khối, rác là 2.270 MW và thủy điện 29.346 MW.
Theo dự thảo kế hoạch trình cuối năm ngoái, quy mô vốn ước tính để phát triển các loại nguồn điện được Bộ Công Thương tính toán gần 120 tỷ USD. Trong đó, gần 76% là vốn tư nhân (gần 91 tỷ USD), Nhà nước chỉ chiếm 24%. Vốn đầu tư công, khoảng 50 tỷ USD, ưu tiên hoàn thiện chính sách, tăng năng lực ngành điện. Vốn cho chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo gần 29.800 tỷ đồng, hiện cân đối được 30%.