Bản tin năng lượng số 6/2024
Tại Hà Nội, mới đây, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị (trực tiếp và trực tuyến với các địa phương) triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 07/2/2024.
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen
Để triển khai có hiệu quả Chiến lược năng lượng hydrogen, tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương chú trọng những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách bao gồm: cập nhật các chủ trương, định hướng đề ra trong chiến lược để điều chỉnh, bổ sung, tích hợp vào các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan, nhất là chính sách khuyến khích sử dụng nhiên liệu hydrogen đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh.
Quang cảnh hội nghị
Bộ trưởng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương nghiên cứu, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực sản xuất, sử dụng, lưu trữ, vận chuyển hydrogen và lĩnh vực thu giữ/sử dụng carbon phù hợp với quy định, tiêu chuẩn quốc tế. Xây dựng các chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng hydrogen và triển khai có hiệu quả những chương trình chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính theo các chương trình hợp tác quốc tế.
Với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp ngành năng lượng (EVN, PVN, TKV, hóa chất, xăng dầu…) và các hiệp hội ngành nghề, Bộ trưởng yêu cầu tập trung quán triệt, triển khai thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong chiến lược; chủ động nghiên cứu, đề xuất và tích cực tham gia với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng, ban hành quy định, cơ chế, chính sách khả thi để thúc đẩy phát triển năng lượng hydrogen…
Chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phát triển năng lượng hydrogen
Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tập trung làm tốt truyền thông phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng và các nội dung cốt lõi của chiến lược; khẩn trương tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện những mục tiêu, giải pháp đề ra trong chiến lược…
Bình Định mời quan tâm đầu tư dự án nhà máy đốt rác phát điện
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định vừa có văn bản số: 20/TB-SKHĐT thông báo về việc mời quan tâm đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện.
Mục tiêu đầu tư của dự án là xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt (và chất thải công nghiệp thông thường nếu nhà đầu tư có nhu cầu) với công nghệ đốt rác phát điện; chất thải thứ cấp (tro xỉ) sau khi xử lý được tái sử dụng, tái chế, góp phần giảm chôn lấp chất thải, cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững. Yêu cầu xây dựng nhà máy phải sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý triệt để mùi hôi, tro bụi, nước thải… bảo đảm các yêu cầu quy định về môi trường; tiếp nhận rác chưa qua phân loại hoặc có phân loại một phần theo quy định của nhà nước (không tổ chức phân loại thủ công đối với rác đầu vào tại nhà máy); máy móc, thiết bị, dây chuyền xử lý phải đảm bảo đầu tư mới, đồng bộ chưa qua sử dụng.
Ảnh minh họa
Địa điểm thực hiện dự án tại ô A5 và ô A6 thuộc khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, thành phố Quy Nhơn. Công suất xử lý bình quân là 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp thông thường/ngày đêm (ưu tiên xử lý chất thải rắn sinh hoạt) có phát điện với công suất phù hợp với Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.
Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện. Tổng mức đầu tư dự kiến: tối thiểu 1.500 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án: 30 năm, kể từ ngày có kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án. Tiến độ thực hiện dự án: không quá 2 năm (24 tháng) kể từ ngày có kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Thời điểm hết hạn nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án là đến 7g30p ngày 18/3/2024.
Thủ tướng chỉ thị triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch điện VIII
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/2/2024 về đổi mới quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư phát triển của các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, bảo đảm doanh nghiệp nhà nước là lực lượng tiên phong dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phục hồi nền kinh tế.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), phấn đấu đưa vào khai thác trong tháng 6 năm 2024.
Thủ tướng yêu cầu triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch điện VIII
EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và đơn vị trực thuộc triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII) theo quy định, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. EVN, PVN chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, vướng mắc phát sinh trong phát triển các dự án nhiệt điện khí để góp phần thúc đầy tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện khí và các dự án khai thác khí.