Ấn tượng tăng trưởng dầu khí
Những tháng qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đơn vị thành viên phải đối diện với rất nhiều khó khăn trước diễn biến khó lường của thị trường cùng tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến nguồn cung bị đứt gãy, giá cả nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Với sự chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp ứng phó, ngành dầu khí đã từng bước vượt khó và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra.
Giàn khai thác dầu khí của PVEP. |
Trong sáu tháng qua, tổng sản lượng khai thác dầu thô toàn Tập đoàn đạt 5,48 triệu tấn, vượt 23%; sản xuất xăng dầu vượt 14%; sản xuất đạm vượt 8% kế hoạch; sản xuất, cung ứng khí, điện, các sản phẩm năng lượng khác đều ở mức cao, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường. Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của ngành trong góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bình ổn thị trường.
Những con số ấn tượng
Lãnh đạo Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro (VSP) cho biết, nhờ áp dụng linh hoạt các giải pháp để duy trì và gia tăng sản lượng khai thác đã giúp đơn vị hoàn thành vượt mức các kế hoạch được giao. Trong đó, khai thác hơn 1,57 triệu tấn dầu/condensate, vượt 84,7 nghìn tấn so kế hoạch, đạt hơn 98% so cùng kỳ; tổng doanh thu đạt hơn 1,19 tỷ USD, vượt 510,4 triệu USD; nộp ngân sách 630 triệu USD, vượt 301 triệu USD so kế hoạch. Lợi nhuận hai phía đạt 209,8 triệu USD, vượt 110 triệu USD so kế hoạch, cao hơn 98,1 triệu USD so cùng kỳ.
Thời gian tới, VSP tiếp tục áp dụng triệt để các giải pháp về quản trị, chuyển đổi số, áp dụng công nghệ hiện đại nhằm đạt được hiệu quả tối ưu. Tương tự, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) đã triển khai linh hoạt các giải pháp thích ứng với tình hình thực tế nhằm bảo đảm an toàn, hoạt động khai thác ổn định các mỏ. Sản lượng khai thác quy dầu của đơn vị trong sáu tháng qua đạt 1,9 triệu tấn, bằng 117% kế hoạch và 60% kế hoạch năm. Tổng doanh thu phần PVEP đạt khoảng 25,6 nghìn tỷ đồng, đạt 197% kế hoạch và đạt 100% kế hoạch năm, nộp ngân sách hơn 9.370 tỷ đồng,...
Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) cũng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra với thời gian làm việc liên tục của các giàn Hải Thạch-Mộc Tinh và tàu FSO đạt 100% so kế hoạch là 97%. Sản lượng khai thác khí đạt 108% kế hoạch, tương đương 53% kế hoạch năm. Sản lượng khai thác condensate đạt 126% kế hoạch, tương ứng 65% kế hoạch năm. Tính đến ngày 30/6 vừa qua, tổng doanh thu lũy kế đạt 4,29 tỷ USD, trên tổng vốn đầu tư và chi phí vận hành 3,64 tỷ USD. Đồng thời công ty đã nỗ lực thực hiện tiết giảm tối đa chi phí, giá thành sản xuất một thùng dầu (giảm 12% so với kế hoạch năm).
Không chỉ lĩnh vực cốt lõi mà các trụ cột khác của ngành như công nghiệp khí, công nghiệp lọc hóa dầu,... đều có những bước phát triển vững chắc, tăng trưởng cao. Đơn cử, doanh thu của Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) trong sáu tháng đạt hơn 54,5 nghìn tỷ đồng, tăng 34% so kế hoạch và tăng 34% so cùng kỳ; nộp ngân sách hơn 3.600 tỷ đồng.
PVGas tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% sản lượng đạm, đáp ứng khoảng 70% thị phần LPG cả nước. Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sản xuất 3,43 triệu tấn xăng dầu, tổng doanh thu đạt hơn 87 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 10,3 nghìn tỷ đồng. Các nhà máy của Tổng công ty Phân bón hóa chất dầu khí (PVFCCo) và Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (PVCFC) đều vận hành an toàn, ổn định, liên tục ở công suất cao.
Bám sát diễn biến thị trường
Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cho biết, đơn vị đã tận dụng tốt yếu tố thuận lợi của thị trường dầu mỏ thế giới như việc tăng giá dầu thô, sản phẩm và crack margin (khoảng chênh giữa giá dầu thô đầu vào và sản phẩm bán ra thị trường) để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, mang lại lợi nhuận vượt xa kế hoạch. Trước những diễn biến khó lường của thị trường như tỷ giá USD, lạm phát tại một số nước tăng khiến chi phí vận chuyển tăng kéo theo các chi phí khác cũng tăng, việc duy trì sản xuất thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn.
Đặc biệt, crack margin trung bình trong những ngày đầu tháng 7 thấp hơn nhiều so với dự báo dẫn đến các lợi thế lọc dầu có thể đã qua giai đoạn đỉnh và bắt đầu có dấu hiệu suy giảm. Do đó, đơn vị sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như xây dựng và thường xuyên cập nhật các kịch bản theo giá dầu (80-100-110-120 USD/thùng) làm cơ sở điều hành sản xuất kinh doanh linh hoạt, kịp thời, hạn chế ảnh hưởng bất lợi của thị trường. BSR cũng tăng cường giải pháp và linh hoạt trong thương mại dầu thô, sản phẩm, hóa phẩm xúc tác.
Triển khai nhanh các cơ hội đầu tư để nâng cao hiệu quả, độ linh động và an toàn vận hành. Thường xuyên cập nhật tình hình thị trường lãi suất, lạm phát để lập kế hoạch dòng tiền, cơ cấu các khoản tiền gửi, tiền vay nhằm bảo đảm nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và tối ưu hóa hiệu quả tài chính trong mọi điều kiện thị trường.
Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng khẳng định, với sự linh hoạt, chủ động, quyết liệt, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành trên mọi lĩnh vực hoạt động đã giúp Tập đoàn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 468,3 nghìn tỷ đồng, vượt hai lần so kế hoạch, đạt 84% kế hoạch năm, tăng 55% so cùng kỳ. Nộp ngân sách đạt 66,1 nghìn tỷ đồng, vượt 2,2 lần so với kế hoạch, hoàn thành và vượt 2% kế hoạch năm, tăng 41% so cùng kỳ.
Trong thời gian tới, PVN tiếp tục phát huy hiệu quả các động lực tăng trưởng, bám sát thị trường, kinh tế vĩ mô, xây dựng các kịch bản điều hành, nỗ lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. “PVN cũng sẽ mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là thị trường tiêu thụ khí ngoài điện; tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của các đơn vị. Đồng thời, rà soát, thúc đẩy triển khai các chuỗi liên kết; đẩy mạnh việc đưa chuyển đổi số vào thực tế, tạo những thay đổi tích cực về mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động” - Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.
PVN sẽ nỗ lực duy trì sản lượng khai thác, tận dụng cơ hội giá dầu để tăng cường đóng góp cho kinh tế đất nước, bù đắp cho nhiều ngành kinh tế đang suy giảm. Đây là nhiệm vụ rất thách thức trong bối cảnh suy giảm sản lượng tự nhiên hằng năm từ 5% đến 8%. Bên cạnh đó, phải bảo đảm tuyệt đối công tác an toàn trong sản xuất kinh doanh; thúc đẩy công tác đầu tư, gia tăng sản lượng; theo sát, bảo đảm mốc tiến độ các dự án trọng điểm; tăng cường liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi hoạt động từ thượng nguồn đến hạ nguồn. HOÀNG QUỐC VƯỢNG, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN |
Theo Nhân dân