Xuất nhập khẩu lao dốc kéo thu ngân sách giảm sâu
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, thu ngân sách từ đầu năm đến nay của cả nước giảm tới 19,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, nguồn thu từ nhiều địa phương trọng điểm về hoạt động xuất nhập khẩu đều giảm sâu.
Tổng cục Hải quan cho biết, trong tháng 2, toàn ngành hải quan thu ngân sách nhà nước đạt 29.300 tỷ đồng, nâng tổng số thu trong 2 tháng đầu năm đạt 56.330 tỷ đồng, bằng 13,2% dự toán và giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Thuế Xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan, nguyên nhân giảm thu là do kim ngạch xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước giảm gần 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế đạt 17,3 tỷ USD, giảm 15,4%; kim ngạch xuất khẩu chịu thuế đạt 1,03 tỷ USD, giảm khoảng 23%.
Đáng chú ý, nhóm các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất như than, sắt thép và kim loại các loại, hóa chất… chiếm 39% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế giảm từ 10 - 50%, kéo theo thu ngân sách giảm khoảng 5.700 tỷ đồng.
Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành 17 biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi để thực hiện 17 FTA trong giai đoạn 2022 - 2027. Do vậy, ngay trong năm 2023, nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao sẽ bị cắt giảm thuế và sẽ còn giảm sâu hơn trong các năm sau.
Tình hình xuất nhập khẩu gặp khó khiến nguồn thu ngân sách giảm mạnh.
Hiện, tình hình thu ngân sách tại hầu hết các cục hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm về xuất nhập khẩu đều giảm mạnh. Trong đó, điển hình như Cục Hải quan Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, TPHCM.
Ở chiều ngược lại, nhóm mặt hàng giúp tăng thu ngân sách trong 2 tháng đầu năm phải kể đến ô tô và xăng dầu. Trong 2 tháng, nhập khẩu ô tô đạt hơn 1,8 tỷ USD, chiếm 10,65% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước, giúp ngân sách tăng thu khoảng 6.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, mặt hàng ô tô tăng mạnh là do nhu cầu tiêu dùng dịp Tết, nguồn thu này không ổn định. Trong khi xăng dầu biến động mạnh và phụ thuộc vào giá cả.
Trước tình hình thu ngân sách gặp khó ngay từ đầu năm, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát các mặt hàng nhập khẩu có điều kiện, các lô hàng vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất (hoặc ngược lại), xác định trị giá hay xuất xứ của hàng hóa, từ đó áp dụng các biện pháp truy thu, ấn định thuế; chú trọng các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của các dự án ưu đãi đầu tư.