Xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là việc tất yếu, "khó mấy cũng phải làm"
Theo Kết luận 47, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng. Việc xây dựng các trung tâm này nhằm phát triển Việt Nam thành điểm đến tài chính quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Sáng 4/1, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và chủ trì Hội nghị (Ảnh: Nhân dân) |
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội nghị.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; đồng chí Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương; đại diện doanh nghiệp, hiệp hội kinh tế; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức kinh tế, hiệp hội, nhà đầu tư, chuyên gia quốc tế.
Tại hội nghị công bố nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng là việc tất yếu, "khó mấy cũng phải làm".
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị |
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, năm 2025, nước ta vẫn ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung cho các giải pháp an sinh - xã hội, cuộc sống người dân phải ấm no, hạnh phúc hơn. Các giải pháp cụ thể trong năm tới là làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm...).
Thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng; lựa chọn phát triển các Trung tâm tài chính có ranh giới địa lý nhất định và đối tượng điều chỉnh được xác định theo tiêu chí rõ ràng nhưng không “biệt lập”; theo mô hình “kết hợp” với các chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình; trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; kiên quyết từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để triển khai, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 259 phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị |
Đồng thời, Thủ tướng ký các Quyết định thành lập và phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo liên ngành về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế nhằm thống nhất định hướng, đưa ra các quyết sách lớn, điều phối bảo đảm vận hành các Trung tâm tài chính thông suốt, nhất quán theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Trưởng ban Chỉ đạo là Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình là Phó Trưởng ban Thường trực. Ban chỉ đạo có 5 Phó Trưởng ban là ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Tài chính; bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng.
Ban chỉ đạo còn có các thành viên là 14 lãnh đạo của các cơ quan của các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao; Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị |
Về kế hoạch hành động, Chính phủ phân công 49 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 12 Bộ, ngành và các địa phương chủ trì triển khai, gắn với các sản phẩm đầu ra để hình thành khung pháp lý và chuẩn bị các điều kiện nền tảng phát triển các Trung tâm tài chính tại Việt Nam, tập trung vào 5 trọng tâm.
Một là phát triển cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại, thúc đẩy xây dựng hệ thống thanh toán, lưu ký và giao dịch tài chính hàng đầu. Hai là thu hút nhân tài quốc tế, tạo cơ chế đãi ngộ, môi trường sống và làm việc hấp dẫn để thu hút các chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới.
Trọng tâm tiếp theo là thúc đẩy đổi mới tài chính, phát triển các công cụ tài chính mới như tài chính xanh, công nghệ tài chính (fintech), và quản lý rủi ro tài chính.
Tiếp đến là Mở rộng hội nhập quốc tế, hợp tác với các tổ chức tài chính toàn cầu, tham gia các chuẩn mực tài chính quốc tế. Cuối cùng là bảo vệ an ninh tài chính, tăng cường giám sát và quản lý rủi ro, đảm bảo ổn định hệ thống tài chính.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, qua hội nghị thấy được niềm tin để quyết tâm thực hiện việc khó này nhưng không làm không được. Thủ tướng nêu rõ, năm 2024 là năm khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi nhưng cũng là năm, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục phục hồi rất tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Các đồng chí chủ trì hội nghị |
Năm 2024, đất nước đạt nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực và tốt hơn năm 2023: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và có thặng dư cao, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách Nhà nước thấp hơn giới hạn quy định; củng cố và tăng cường tiềm lực an ninh quốc phòng; làm tốt công tác đối ngoại, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tạo môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, nhất là khắc phục nhanh hậu quả cơn bão số 3 (Yagi); tích cực phát triển nhà ở xã hội, quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát trước 5 năm…
Việt Nam đủ điều kiện để thành lập trung tâm tài chính quốc tế chưa? Thủ tướng khẳng định đã đủ điều kiện bởi 5 yếu tố: Quy mô nền kinh tế Việt Nam xếp hạng 33 - 34 trên thế giới. Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tăng trưởng được thúc đẩy khoảng 7%/năm; năm 2025 phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 8%, phấn đấu đạt 2 con số những năm tới, do đó nhu cầu vốn rất lớn; đột phá chiến lược đang đạt được những thành quả rất tích cực: Thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh; tổng GDP khoảng 470 tỷ USD, vốn hóa của nền kinh tế Việt Nam đạt 7,2 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt 2 con số.
Chúng ta có một nền kinh tế hội nhập với 17 FTAs; Việt Nam ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo được môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển, cuộc sống thanh bình, an ninh, an toàn, an dân.
Ngoài ra, Việt Nam nằm ở vị trí chiến lược, địa chính trị quan trọng, phát triển năng động nhất thế giới. Do đó có Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế sẽ kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới, thúc đẩy nguồn lực hiện hữu; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam hiệu quả, theo chuẩn mực quốc tế; tạo ra động lực mới, tạo sự đột phá về phát triển. Đây là yêu cầu khách quan của Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới, giai đoạn bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc giàu mạnh, thịnh vượng.
"Điều kiện đã rõ, vấn đề là làm như thế nào. Chính phủ phải nhanh chóng trình Quốc hội các cơ chế chính sách về trung tâm tài chính tại kỳ họp tháng 5 tới đây. Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh phải cùng chuẩn bị với Chính phủ. Đây là việc khó, việc mới, phức tạp nhưng phải làm, không làm không được, không làm thì đất nước không phát triển, không thể có tăng trưởng 2 con số. Khó mấy cũng phải làm", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải "Việt Nam hóa những tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này". Vì chúng ta phải học tập nhưng phải phù hợp điều kiện Việt Nam: Có nguồn nhân lực, có hạ tầng, có tổ chức công nghệ quản lý; có sự đồng lòng, thống nhất của các cơ quan trong hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Tinh thần là “vừa chạy, vừa xếp hàng”; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chia sẻ tại hội nghị |
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhắc lại Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị đã đặt ra nhiệm vụ rất lớn cho TP Hồ Chí Min và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh là minh chứng rõ nét cho tầm nhìn chiến lược của Trung ương, sự quyết tâm, quyết liệt và đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và doanh nghiệp trong việc xây dựng hệ sinh thái tài chính minh bạch, hiệu quả
TP Hồ Chí Minh nhận thức rõ trung tâm tài chính không chỉ tập trung cho các hoạt động tài chính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hay đầu tư. Đây còn là nơi hội tụ tri thức, công nghệ, kết nối toàn cầu để thu hút nguồn vốn, nâng cao lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Dự án trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là một dự án phát triển kinh tế mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ tài chính thế giới. Đây là bước đi chiến lược giúp nước ta kết nối sâu hơn với dòng chảy kinh tế, dẫn dắt sự phát triển bền vững với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới, sáng tạo", Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhìn nhận.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng phải nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, hình thành khu vực; phương thức huy động nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chuyển giao công nghệ quản trị thông minh.
Các Bộ, ngành phải đồng tình, ủng hộ, sát cánh với hai thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; xây dựng các văn bản quy định. Các đối tác quốc tế tiếp tục đồng hành trao đổi, phổ biến kinh nghiệm, đề xuất các chính sách, hỗ trợ lực tài chính, nhân lực.
Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”, "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi", "Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".
"Đây không phải là việc riêng của hai thành phố mà là của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị; phải cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và phát triển, đưa đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và ấm no", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.