Vì sao người mua chưa sẵn sàng bỏ tiền vào bất động sản?
“Giá nhà cao là lực cản đối với người mua nhà hiện nay dù nhu cầu về nhà ở vẫn tăng và lãi suất vay đang rất tốt…”, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh Tại Hội nghị "Bất động sản Việt Nam - VRES 2024”.
Cùng với đó, lãi suất cho vay đã giảm mạnh so với năm 2023, thuận lợi cho thị trường địa ốc. Tuy nhiên, dù lãi suất thấp, người dân vẫn chưa vay nhiều tiền để mua nhà đất. Lý do chính là giá bất động sản vẫn neo ở mức cao, vượt quá khả năng tài chính của đại bộ phận người dân.
Theo TS Lực, để người dân tăng đầu tư vào bất động sản, các doanh nghiệp cần phấn đấu giảm giá hoặc bình ổn giá bất động sản ở một số dự án, phân khúc thông qua các hình thức khuyến mại phù hợp, chấp nhận biên lợi nhuận nhỏ hơn nhưng bền vững.
Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, giá bất động sản vẫn là rào cản lớn nhất đối với người mua nhà để ở. Mặc dù lãi suất vay đã giảm, nhưng với mức giá nhà đất hiện tại, số tiền phải trả hàng tháng vẫn là một gánh nặng lớn, đặc biệt là với những người có thu nhập trung bình.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE chi nhánh Hà Nội từng cho rằng tăng trưởng thu nhập không đuổi kịp đà tăng bất động sản, ảnh hưởng đến khả năng mua nhà. Hiện giá chung cư mới đạt trung bình 64 triệu đồng một m2 (chưa gồm VAT và phí bảo trì) trong quý 3/2024, tăng gần 26% theo năm. Dự án sơ cấp tăng cao cũng kéo giá thứ cấp leo thang gần 26% theo năm, đạt 46 triệu đồng/ m2.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường bất động sản Hà Nội thời gian qua, từ phân khúc chung cư đến các phiên đấu giá, có dấu hiệu bị đẩy giá cao bất thường, ảnh hưởng đến tâm lý của các chủ thể tham gia thị trường. Vì giá đẩy lên quá cao đến "bất hợp lý" nên lượng giao dịch thực tế có dấu hiệu sụt giảm khi ngày càng nhiều người mua không chấp nhận mức tăng đó.
Báo cáo từ Đoàn giám sát của Quốc hội mới đây cho thấy, sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào trạng thái khó khăn nghiêm trọng. Giai đoạn 2022-2023, nguồn cung bất động sản giảm mạnh, trong khi giá nhà đất vẫn không ngừng leo thang, vượt xa mức thu nhập của đa số người dân.
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, tình trạng bất động sản tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM đang ở mức giá không phù hợp với thu nhập của người dân. Nhiều khu đô thị bỏ hoang, dự án chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực đất đai và vốn đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy từ đoàn Bắc Kạn cho biết, hiện tượng thổi giá, đầu cơ và tạo sóng đã gây nhiễu loạn thị trường. Giá nhà đất tại các thành phố lớn tăng phi thực tế khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn trong việc sở hữu nhà ở, trong khi những người đầu cơ lại tranh thủ tích lũy để chờ tăng giá.
Theo bà Thuỷ, thời gian qua, mỗi khi vào đợt sốt đất, sốt nhà thì tâm lý mua nhà đất chờ tăng giá trong một bộ phận người dân càng có xu hướng tăng cao. Tâm lý này đã khiến giá nhà đất đã tăng cao lại càng tăng mạnh.
Ngoài ra, thị trường còn tồn tại sự mất cân đối trong phân khúc các căn hộ. Hiện nay, thị trường đang thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở dành cho những người có thu nhập trung bình nhưng lại đang dư thừa nguồn cung đối với loại hình sản phẩm căn hộ cao cấp.
Đoàn giám sát của Quốc hội cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh. Cần đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo đáp ứng nhu cầu nhà ở, đồng thời chú trọng đến an sinh xã hội. Đoàn giám sát cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có biện pháp để đưa giá bất động sản về đúng giá trị thực, ngăn chặn tình trạng thao túng và thổi giá.