TS. Trương Văn Phước: Lẽ ra đồng VND sẽ tăng giá so với USD...
Theo TS. Trương Văn Phước, dựa trên các cơ sở căn bản của nền kinh tế cũng như những yếu tố tạo nên cán cân thanh toán quốc gia, tỷ giá USD/VND sẽ không biến động quá mạnh trong năm nay.
Đồng USD trong thời gian gần đây liên tục đi lên và lập đỉnh mới. Tỷ giá USD/VND cũng vừa có quãng tăng khá mạnh. So với cuối năm 2021, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,3% trong khi tỷ giá trên bảng niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng đã tăng khoảng 2,5% - mức tăng mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Đâu là những nguyên nhân khiến đồng USD tăng mạnh? Liệu Việt Nam có đủ công cụ để điều hành, kiểm soát tỷ giá trong thời gian tới? BizLIVE có cuộc trao đổi với TS. Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia về vấn đề này.
SAU KHI MỘT NGUỒN TIỀN LỚN ĐÃ BƠM RA...
Tới thời điểm hiện tại, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng khoảng 11,8% so với đầu năm và hiện đang được giao dịch ở mức cao nhất trong hai thập kỷ. Theo ông, đâu là những nguyên nhân khiến đồng bạc xanh biến động mạnh như vậy?
TS. Trương Văn Phước: COVID-19 đã gây nên những tổn hại rất lớn với kinh tế thế giới, do đó, các nước đã phải đưa ra các gói kích thích kinh tế với một liều lượng cực kỳ lớn. Với một lượng tiền rất lớn như thế được bơm ra lưu thông, thì đến năm 2022 này, đã có dấu hiệu áp lực lạm phát gia tăng trên phạm vi toàn cầu.
Phản ứng đối với lạm phát tăng lên, các ngân hàng trung ương bắt đầu thắt chặt tiền tệ, tức là họ dùng mọi công cụ, biện pháp để hút tiền trong lưu thông về, đồng thời, họ đẩy lãi suất điều hành lên cao.
Các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất rất nhanh. Một trong những ví dụ điển hình là Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mặc dù từ đầu năm tới nay cơ quan này chỉ tăng lãi suất 1,75%, nhưng trong lịch sử điều hành của Fed, đây là một mức điều chỉnh rất nhanh và họ còn hứa hẹn từ nay đến cuối năm sẽ đưa lãi suất lên 2,5 -2,75%.
Thông thường, đồng USD chiếm tỷ trọng 68% - 70% trong dự trữ ngoại hối của các nước, theo đó, cùng với việc Mỹ tăng lãi suất, thì đồng USD cũng lên giá theo. Đó là một nguyên nhân.
Thông thường, trong một thế giới có bất ổn như thế, người ta hay tìm đến đồng USD như một kênh trú ẩn...
Nguyên nhân thứ hai, như chúng ta đã biết, xung đột giữa Nga - Ukraine từ giữa tháng 2 đến nay đã gây ra rất nhiều bất ổn trên thị trường thế giới, nhất là thị trường tài chính, chứng khoán, lãi suất đều biến động mạnh. Sự chu chuyển của dòng vốn trên khắp thế giới cũng diễn ra rất mạnh mẽ. Và thông thường, trong một thế giới có bất ổn như thế, người ta hay tìm đến đồng USD như một kênh trú ẩn.
Dưới góc độ thị trường tài chính, USD tăng giá làm cho lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng giá theo. So với những khu vực kinh tế như Châu Âu, Nhật Bản - vốn là những nền kinh tế cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, thì lãi suất đồng USD đang cao hơn rất nhiều so với lãi suất của đồng euro hay yên Nhật. Chính khoảng cách này càng làm cho lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao và các dòng vốn tập trung đổ vào USD.
Tóm lại, đồng USD tăng lên trên thị trường thế giới là hội tụ của rất nhiều yếu tố, trong đó nổi bật lên là việc thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, cuộc chiến tranh Nga – Ukraine cũng các lệnh cấm vận, cùng với đó là giá xăng dầu tăng, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng…
LẼ RA VND SẼ TĂNG GIÁ...
Từ đầu năm tới nay, tỷ giá USD/VND đã tăng đâu đó khoảng 2,5%. Nếu so sánh với diễn biến tỷ giá cùng kỳ những năm trước, đây là một mức tăng khá mạnh. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức mất giá trên dưới 10% của nhiều đồng tiền trong khu vực như đồng baht của Thái Lan, đồng won Hàn Quốc hay thậm chí lên tới gần 20% như đồng yên Nhật thì đây vẫn là mức tăng khá "khiêm tốn". Theo ông, vì sao đồng VND có được sự tương đối ổn định này?
TS. Trương Văn Phước: Với VND, chúng ta có hai loại tỷ giá căn bản. Tỷ giá thứ nhất là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, chính là tỷ giá trung tâm. Tỷ giá này từ đầu năm tới nay mới tăng rất ít, khoảng 0,2%. Tỷ giá thứ hai là tỷ giá mà các ngân hàng dùng để mua bán ngoại tệ với khách hàng. Tỷ giá này thì đã tăng khoảng 2,5% từ đầu năm.
Nếu so sánh với giai đoạn 5-7 năm gần đây thì mức tăng này có thể gọi là cao vì các năm trước tỷ giá USD/VND vô cùng ổn định, một năm chỉ tăng 1,5% -2%. Tuy nhiên, so với mức tăng của các đồng tiền khác trên thế giới thì đây không phải là mức cao.
Để giải thích điều này, chúng ta phải nhìn vào lãi suất, bởi vấn đề tỷ giá bao giờ cũng phụ thuộc vào lãi suất.
Một đồng tiền có lãi suất cao bao giờ cũng có xu hướng tăng giá so với đồng tiền có lãi suất thấp. Đó là một quy luật tiền tệ tác động tới tỷ giá. Lãi suất VND hiện đang cao hơn gấp 3 - 4 lần lãi suất USD nên xu hướng ủng hộ cho sức mạnh của đồng VND vẫn lớn hơn so với xu hướng mất giá.
Thứ hai, trong sâu xa của tỷ giá có yếu tố lạm phát tác động vào. Vì sao? Lạm phát là một loại giá, tỷ giá cũng là một loại giá. Lạm phát tăng cao có nghĩa là sức mua đối nội của đồng tiền đó giảm xuống, còn tỷ giá là sức mua đối ngoại bên ngoài. Giữa sức mua đối nội và sức mua đối ngoại có những quan hệ mật thiết với nhau.
Lãi suất VND hiện đang cao hơn gấp 3 - 4 lần lãi suất USD nên xu hướng ủng hộ cho sức mạnh của đồng VND vẫn lớn hơn so với xu hướng mất giá
Hiện lạm phát của Mỹ đang rất cao, trên 9%. Lẽ ra, với thông tin này, thì đồng USD phải mất giá, bởi dù lãi suất USD có tăng nhưng vẫn ở mức thấp và do đó, đồng USD phải mất giá.
Nhưng, như đã nói, bên cạnh các yếu tố như lạm phát, lãi suất thì các yếu tố khác như chiến tranh, cấm vận, giá cả xăng dầu, rồi lời hứa hẹn tiếp tục tăng lãi suất của Fed nên các dòng vốn trên thế giới vẫn đang tập trung về thị trường Mỹ, tập trung vào các công cụ nợ, trái phiếu chính phủ Mỹ.
Với Việt Nam, lạm phát 6 tháng mới chỉ ở mức 2,44%, dự báo cả năm nay sẽ quanh 4%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với của Mỹ. Lãi suất đồng VND cao hơn lãi suất USD.
Lẽ ra, với hai yếu tố này, đồng VND sẽ tăng giá so với USD. Tuy nhiên, tổng hòa các yếu tố như đã phân tích ở trên thì đồng VND có mất giá nhưng mất giá không nhiều so với đồng USD.
USD CÓ THỂ TĂNG SO VỚI VND, NHƯNG SẼ KHÔNG NHIỀU
Vậy ông dự báo như thế nào đối với tình hình tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm, thưa ông?
TS. Trương Văn Phước: Khác với cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính 2008 – 2009, khi các nước đua nhau phá giá đồng nội tệ nhằm tránh cuộc khủng hoảng, ngày nay, áp lực lạm phát cùng với suy thoái kinh tế toàn cầu đã bắt đầu manh nha khiến các quốc gia đang tìm mọi cách chống đỡ để đồng tiền của mình không bị mất giá nhiều, thậm chí, nếu có điều kiện thì nâng giá. Bởi, nếu đồng tiền nội tệ mất giá mà quốc gia đó lại nhập siêu nhiều thì hàng hóa sẽ tăng giá, ảnh hưởng tới lạm phát.
Đối với Việt Nam, chúng ta có nhiều lợi thế để giữ ổn định tiền đồng, bên cạnh các yếu tố nội tại như lạm phát ổn định hơn so với Mỹ, lãi suất cao hơn Mỹ, có dự trữ ngoại hối tương đối cao - khoảng 14-15 tuần nhập khẩu, GDP tăng trưởng khá, 6 tháng đầu năm đã đạt 6,42%, dự kiến cả năm sẽ đạt 7%-7,5%, tình hình chính trị, xã hội ổn định, phục hồi sau đại dịch rất tốt cùng với Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ với các gói phục hồi kinh tế, Việt Nam vẫn là nơi có thể thu hút được dòng vốn bên ngoài, bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Đó là các nhân tố căn bản làm cho cán cân thanh toán của chúng ta được củng cố, thặng dư, nhờ đó tăng cường dự trữ ngoại hối và chúng ta có thể có những can thiệp kịp thời.
Tựu chung lại, dựa trên các cơ sở căn bản của nền kinh tế cũng như những yếu tố tạo nên cán cân thanh toán quốc gia, tôi cho rằng trong năm nay, đồng USD có thể tăng so với VND, tuy nhiên, sẽ không nhiều, khoảng 3-4%.
Xin cảm ơn ông.