Trung Quốc dẫn đầu các nước nhập thủy sản Việt Nam
Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu thủy sản Việt Nam, đạt gần 710 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong nhóm thị trường lớn.
(Ảnh minh hoạ)
Số liệu từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP) cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam 4 tháng đầu năm 2025 đạt 3,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực tăng trưởng đến từ nhiều nhóm mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và nhuyễn thể. Trong đó, mặt hàng tôm phục hồi ấn tượng với 1,27 tỷ USD, tăng 30% nhờ giá cả dần ổn định và cầu thị trường tăng tại một số khu vực như Trung Quốc, EU và Nhật Bản.
Về thị trường nhập khẩu, Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu thủy sản Việt Nam, đạt gần 710 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong nhóm thị trường lớn.
(Nguồn VASEP)
Nhật Bản đứng thứ 2, với hơn 536 triệu USD, tăng 22% nhờ sự ổn định trong nhu cầu và lợi thế từ các sản phẩm giá trị gia tăng. Trong khi đó, Mỹ nhập thủy sản của Việt Nam đạt 498 triệu USD, tăng 7% và xuống vị trí thứ 3. Riêng trong tháng 4, kim ngạch thủy sản xuất sang nước này chỉ đạt hơn 120 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Đây là thời điểm Mỹ công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu.
Xuất khẩu sang EU cũng khá tích cực, đạt kim ngạch 351,5 triệu USD (tăng 17%), Hàn Quốc là 264 triệu USD (tăng 15%) nhờ tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan từ EVFTA. ASEAN là điểm sáng với 218,8 triệu USD (tăng 25%), trong khi Trung Đông giảm 8% do nhu cầu tiêu thụ yếu.
Cũng theo số liệu VASEP, thị trường Trung Quốc và Hồng Kông đã vươn lên vị trí dẫn đầu nhập khẩu nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam. Nếu quý I/2024, Trung Quốc và Hồng Kông chỉ chiếm 4% thì sang quý I/2025 thị trường này đã nhảy vọt lên chiếm tới 37%. Con số này vượt xa các thị trường quan trọng khác như EU với 18 triệu USD, Mỹ với hơn 6 triệu USD.
Trung Quốc hiện nhập khẩu nhiều nhất các loại ốc hương, nghêu và điệp. Trong đó, ốc hương sống chiếm áp đảo với gần 16 triệu USD, tiếp theo là nghêu sống gần 5 triệu USD và điệp đông lạnh gần 3 triệu USD. Cơ cấu nhập khẩu này cho thấy rõ xu hướng tiêu dùng của người dân Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm tươi sống và đông lạnh chất lượng cao, một lợi thế lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến nhuyễn thể của Việt Nam.
Trong hai tháng tới (tháng 5 và 6/2025), theo VASEP, xuất khẩu thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ trước khi chính sách thuế quan đối ứng mới của Mỹ có hiệu lực từ ngày 9/7/2025. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ, đặc biệt với các sản phẩm chủ lực như tôm và cá tra, nhằm tận dụng tối đa giai đoạn trước khi thuế quan mới làm tăng chi phí. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này có thể tăng 10-15% so với tháng 4/2025, nhờ các hợp đồng được ký kết gấp rút và chiến lược giảm giá để duy trì thị phần.
Trước đó, Mỹ từng tuyên bố mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam, tuy nhiên, sau đó, gia hạn thời gian áp thuế đối ứng và điều chỉnh mức thuế này còn 10%. Việt Nam - Mỹ hiện cũng đang đàm phán song phương về vấn đề này.
Về phía các doanh nghiệp thủy sản, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty CP Vĩnh Hoàn (mã VHC), HĐQT Vĩnh Hoàn vẫn tin tưởng vào lợi thế cạnh tranh của cá tra – đặc biệt tại thị trường Mỹ – và sẽ tiếp tục xem đây là dòng sản phẩm cốt lõi. Cá tra có lợi thế cạnh tranh về giá so với các loại cá trắng như cod, pollock và cá rô phi, đặc biệt trong bối cảnh sản phẩm Trung Quốc đang chịu mức thuế cao hơn. Việt Nam vẫn giữ vị thế là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất, và VHC sẽ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu.
HĐQT đánh giá căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể là cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung và VHC nói riêng để mở rộng hoạt động nuôi cá rô phi. Điều kiện tự nhiên tại Việt Nam phù hợp với nuôi cá rô phi và hiện đã có một số nông dân miền Bắc mở rộng vùng nuôi cá này, các cơ quan trong ngành cũng đang có những hoạt động đẩy mạnh nuôi cá rô phi.
Trong khi đó, tại ĐHĐCĐ Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FMC), một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn Việt Nam cho biết đang cân nhắc rút khỏi thị trường Mỹ nếu mức thuế lên tới 46% được áp dụng. Công ty sẽ tăng cường thâm nhập các thị trường Canada, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực đánh giá Trung Quốc cũng là một thị trường rất tiềm năng, doanh nghiệp đang theo dõi để sẵn sàng thâm nhập khi đủ điều kiện.