Triển vọng tươi sáng của cổ phiếu ngân hàng
Là nhóm vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán và được mệnh danh là "cổ phiếu vua", cổ phiếu của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ hút dòng tiền trong năm 2024.
Điều này có được dựa trên cơ sở tín dụng được dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn nhờ lãi suất thấp, nền kinh tế phục hồi tốt hơn, thị trường bất động sản cũng ấm dần...; trong khi mức định giá trên thị trường cũng rất hấp dẫn…
Theo ghi nhận của phóng viên, nhóm cổ phiếu ngân hàng trong gần 3 tháng vừa qua đã có mức tăng trưởng khá tốt. Đặc biệt, nhiều mã vốn hóa lớn có mức tăng đến hàng chục phần trăm (tính đến hết phiên 21/2/2024), có thể ví dụ là CTG (+30,7%), MBB (+27,32%), TCB (+21,5%), HDB (+18,09%), BID (+15,7%), ACB (+13,3%)…
Một đặc điểm có thể nhận thấy là dù diễn biến tích cực, nhưng đà tăng chỉ tập trung ở những mã cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó, không ít cổ phiếu nhà băng cỡ nhỏ tăng rất ít, hoặc thậm chí giảm, đó là mã VBB giảm 0,94%, hay EIB và ABB chỉ tăng vỏn vẹn 1,9% và 2,44%. Một số mã vừa và nhỏ cũng tăng nhưng mức độ khá thấp như: KLB (+6,09%), NAB (+5,7%), VPB (+4,77%)…
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu “vua” tăng trưởng tốt nhờ hiệu ứng tâm lý tích cực của nhà đầu tư sau những thông tin về hỗ trợ của hành lang pháp lý, đặc biệt đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Bên cạnh đó, một trợ lực khác đến từ kết quả kinh doanh (KQKD) tích cực. Nên biết rằng ngân hàng là nhóm cổ phiếu đóng góp chính vào lợi nhuận toàn thị trường trong quý IV/2023. Lãi ròng nhóm này tăng 22,5% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 và tăng 3,8% trong cả năm 2023. VnDirect nhìn nhận, KQKD tích cực của các nhà băng là nhờ tăng trưởng tín dụng được đẩy nhanh trong kỳ; thu nhập ngoài lãi (thu nhập từ phí, hoạt động ngoại hối) tăng mạnh, toàn ngành tăng 20% và chi phí trích lập dự phòng giảm 5%.
Không khó để nhận ra những nhà băng có cổ phiếu tăng 2 chữ số đều là các đơn vị với lãi ròng năm 2023 tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm cổ phiếu “vua” được đánh giá cao và kỳ vọng sẽ tiếp tục “hút tiền” trong năm 2024. Ông Lã Giang Trung - CEO Passion Investment khẳng định, ngân hàng sẽ là nhóm cổ phiếu của năm 2024. Quan điểm này được dựa trên việc nền lãi suất thấp duy trì và nền định giá thấp với P/E 5-6 lần, P/B 1-1,2 lần, cổ phiếu ngân hàng sẽ có nhiều lợi thế tăng mạnh.
Đồng tình với quan điểm của CEO Passion Investment, ông Michael Kokalari - Giám đốc Phân tích Kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital nhìn nhận, cổ phiếu ngân hàng sẽ hưởng lợi từ sự tăng trưởng lợi nhuận, từ khoảng 7% trong năm 2023 lên 18% trong năm 2024 và định giá cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam hiện thấp hơn một độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm (hiện đang giao dịch ở mức khoảng 1.8x P/B so với khoảng 17% ROE dự kiến vào năm 2024).
“Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng tín dụng nhanh chóng đối với cả nhà phát triển bất động sản và người mua nhà mới, phù hợp với kỳ vọng về sự phục hồi khiêm tốn trong phát triển bất động sản năm nay”, ông Michael Kokalari đánh giá.
Tương tự, Công ty chứng khoán BSC nhìn nhận triển vọng lợi nhuận của ngành Ngân hàng trong 2024 đang trở nên sáng hơn. Đơn vị này kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành Ngân hàng sẽ phục hồi với động lực chính đến từ sự nở ra của NIM, tuy nhiên tốc độ nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào diễn biến của cầu tín dụng và chất lượng tài sản. Dù vậy, BSC cho rằng định giá của ngành đã phản ánh những yếu tố bất định nêu trên.
“BSC cho rằng mức định giá hiện tại của ngành vẫn phù hợp để tích lũy, nhất là đối với nhóm tư nhân. Chúng tôi cũng lưu ý rằng các quy định quản trị rủi ro chặt chẽ hơn và sức khỏe bảng cân đối được cải thiện là những điểm khác biệt chính ở chu kỳ hiện tại so với quá khứ”, đơn vị này phân tích.
Công ty Chứng khoán ABS cũng lạc quan kỳ vọng ngành Ngân hàng năm 2024 sẽ dần phục hồi nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ liên quan tới mặt bằng lãi suất giảm hỗ trợ người vay vốn và thị trường bất động sản hồi phục.
Cụ thể, hành lang pháp lý được cải thiện với việc ra đời của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Bên cạnh đó, việc các Thông tư 02 và Thông tư 06 vẫn còn hiệu lực tới giữa năm 2024 sẽ giúp các ngân hàng có thể chủ động hỗ trợ các khách hàng đang gặp khó khăn. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục dự kiến duy trì trong 2-3 quý đầu năm, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí vốn, cải thiện lợi nhuận, tăng nhu cầu tín dụng để kinh doanh và tiêu dùng. NIM dự kiến cải thiện từ việc lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động. Dòng tiền các doanh nghiệp cải thiện giảm áp lực nợ xấu cho ngân hàng, đặc biệt từ ngành bất động sản.
Trong khi đó, SSI Research lưu ý rằng, 2024 vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành Ngân hàng về chất lượng tài sản. Mặc dù vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn và lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.
Số liệu từ SSI Research cho thấy bộ đệm dự phòng tại hầu hết các nhà băng đều thấp hơn so với giá trị của các khoản vay có vấn đề. Mặc dù SSI Research cho rằng ngân hàng cần phải trích lập thêm dự phòng để cải thiện chất lượng tài sản, nhưng thời gian trích lập có thể được kéo dài do những yếu tố gồm: Vấn đề nợ xấu và tình trạng pháp lý của các dự án bất động sản chưa hoàn thiện; rủi ro cho vay mua nhà tại các dự án có vấn đề về mặt pháp lý.
“Chúng tôi duy trì quan điểm trung lập đối với ngành Ngân hàng trong năm 2024 do quá trình củng cố bộ đệm dự phòng tiếp diễn khiến lợi nhuận toàn ngành chưa thể bứt tốc mạnh mẽ ngay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn ưa thích những cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt vì các ngân hàng này sẽ hoàn tất xử lý nợ xấu sớm hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành”, SSI Research nhấn mạnh.