TP. Hồ Chí Minh: Làm gì để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn?
Các chuyên gia đã có những kiến nghị để TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy nhanh mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu
Phát triển bền vững với xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lựa chọn, nhất là ở nhiều quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản… Kinh tế tuần hoàn đã được thực hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường, gắn liền với sự phát triển bền vững ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tại TP. Hồ Chí Minh, thực tế trước đây, các hoạt động kinh tế tuần hoàn tại đây khởi xướng từ các hoạt động về bảo vệ môi trường, chứ chưa chuyển thành các hoạt động kinh tế với lợi ích rõ ràng.
Tuy vậy, thành phố có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế tuần hoàn nhờ tư duy nhanh nhạy và chấp nhận đổi mới của cả chính quyền lẫn doanh nghiệp; có lực lượng đông đảo các doanh nghiệp với nhiều tiềm năng về công nghệ, quản trị và liên kết quốc tế; các hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển mạnh...
Thách thức đặt ra cho thành phố là cần có chính sách và giải pháp đồng bộ để nâng cao nhận thức chung của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn cũng như đảm bảo phát triển bền vững của kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là cần theo kịp các xu hướng chung trên thế giới.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh thúc đẩy nhanh mô hình kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới. |
Theo ghi nhận, những năm qua, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tiếp cận và phát triển các hình thức kinh tế mới như kinh tế tri thức, kinh tế tăng trưởng xanh, đến kinh tế tuần hoàn và các mô hình kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế nền tảng,…
Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang nghiên cứu phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Thành phố đã tiến hành nhiều biện pháp để thúc đẩy mô hình kinh doanh theo xu hướng xanh hóa và phát triển kinh tế tuần hoàn - mô hình kinh doanh với mục tiêu giúp các doanh nghiệp tạo ra giá trị thông qua việc sử dụng tài nguyên trong nhiều chu kỳ và giảm lãng phí và tiêu thụ tài nguyên.
Riêng trong lĩnh vực ngành Công Thương, những năm qua thành phố đã định hướng ưu tiên sản xuất các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường thông qua lồng ghép, triển khai 3 chương trình thành phần thuộc Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của Thành phố; thực hiện Đề án sản xuất hạt nhựa và sản phẩm nhựa từ nguồn nguyên liệu tái chế (rác thải nhựa)…
Các chuyên gia nhận định, mặc dù đã và ngày càng xuất hiện nhiều hơn các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn tại Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, tuy nhiên mức độ hiểu biết về mô hình kinh doanh tuần hoàn vẫn rất hạn chế.
Làm gì để đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn tại TP. Hồ Chí Minh
Để phát triển mạnh mẽ kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong thời gian tới, ThS. Trần Thị Kim Quý - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần thiết phải thực hiện một số giải pháp trọng tâm, trọng điểm.
Cụ thể, đầu tiên cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục, đào tạo về kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn, mục tiêu để TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm dẫn đầu của cả nước áp dụng và thực hành kinh tế tuần hoàn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Ngoài ra, cần xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên và phương thức tiếp cận đề xây dựng mô hình và lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố. Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo để tạo nền tảng kỹ thuật công nghệ cho hình thành và phát triển nền kinh tế tuần hoàn ở các ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Thúc đẩy các mô hình sản xuất và kinh doanh bền vững, xanh, tuần hoàn theo các tiêu chuẩn quốc tế như ESG. Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Hỗ trợ phát triển thị trường, chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn…
Cùng với đó, cần nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khung pháp lý, chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên cách tiếp cận mở. Trong đó, cần thiết phải gắn thực hiện kinh tế tuần hoàn với phát triển công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và cách mạng công nghiệp 4.0.
Đặc biệt, xác định việc đổi mới công nghệ là cốt lõi, là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Công nghệ mới sẽ giúp việc thực hiện mô hình này hiệu quả, giảm thải ô nhiễm, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, tránh khai thác quá mức tài nguyên, đồng thời tạo được cơ hội việc làm mới.
ThS. Trần Thị Kim Quý nhận định, Việt Nam đang trong quá trình điều chỉnh cơ chế, chính sách theo hướng chú trọng tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển bền vững. Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là cơ hội để Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và cũng là bước chuyển để tiến tới nền kinh tế xanh.
“Trong bối cảnh đó, TP. Hồ Chí Minh triển khai các giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn đi đúng hướng, phù hợp sẽ góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng”, ThS. Trần Thị Kim Quý nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, khái niệm chính thức về kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện tại Điều 142 của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020: “Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường”. |