Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tăng 108% so với cùng kỳ 2021
Mặc dù xuất khẩu cá ngừ đang ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu và người dân cần lưu ý.
Các sản phẩm đã qua sơ chế như thịt/philê cá ngừ đông lạnh và cá ngừ chế biến khác vẫn là chủ lực khi chiếm tới hơn 66% tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 01/2022 của ngành này. Đáng chú ý, chỉ số xuất khẩu sang các thị trường tăng phi mã với mức ghi nhận tăng trưởng đến 3 con số, lần lượt là 172% và 278% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là tín hiệu tích cực đến từ chính sách mở cửa nền kinh tế, chung sống với dịch bệnh của Việt Nam. Phản ánh sự chủ động và uyển chuyển trong hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tận dụng tốt thời cơ của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, các Hiệp định như CPTTP, EVFTA cũng mở ra nhiều cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của cá ngừ Việt Nam (chiếm đến 90%) chủ yếu đến từ các thị trường như EU, Mỹ, Nga, Ả Rập Xê Út, Trung Quốc, Ai Cập, Israel và các quốc gia có tên trong danh sách của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP).
Hoa Kỳ vẫn là quốc gia dẫn đầu trong danh sách nhập khẩu cá ngừ và các sản phẩm từ cá ngừ của Việt Nam khi chiếm tới gần 50% tổng giá trị xuất khẩu của tháng 01/2022, ước đạt gần 44 triệu USD, tăng 210% o với cùng kỳ năm 2021.
Tín hiệu tích cực cũng đến từ thị trường của các nước trong khối EU như Hà Lan và Lithuania, đây là hai nước thuộc top 3 (sau Mỹ) về giá trị nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang hai nước này trong tháng 01/2022 tăng lần lượt là 243% và 1.938% so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn các thị trường khác cũng ghi nhận con số tăng trưởng đáng mừng.
Hiệp định CPTPP đã đem đến nhiều cơ hội mới cho thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường như Canada, Peru và Chilee đều ghi nhận đà tăng lần lượt là 26%, 2.289% và 219%, duy nhất có một thị trường Nhật Bản là sụt giảm 17% so với cùng kỳ 2021.
Cả nước hiện có 72 doanh nghiệp tham gia sản xuất và xuất khẩu cá ngừ, tập trung đông nhất tại địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định. Vì vậy, Khánh Hòa hiện là tỉnh dẫn đầu cả nước khi kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của tỉnh này ước đạt khoảng 40 triệu USD (chiếm 45% tổng kim ngạch), Bình Định xếp thứ hai với con số 11 triệu USD. Các tỉnh như Long An, Phú Yên, Tp.HCM và Bình Dương cũng là các địa phương có doanh số xuất khẩu đáng kể, chiếm từ 6-8%.
Trao đổi với Người Đưa Tin, bà Nguyễn Thị Vân Hà - chuyên gia về thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mặc dù xuất khẩu cá ngừ đang ghi nhận những con số tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn mà doanh nghiệp xuất khẩu và người dân cần lưu ý.
“Dịch bệnh đang làm gián đoạn hoạt động giao thương giữa nhiều quốc gia, tình trạng đứt gãy chuỗi vận chuyển đang khiến giá cước vận tải đường biển tăng cao là những trở ngại lớn nhất mà các đơn vị cần tính đến. Tuy nhiên, các thị trường trên thế giới đang có xu hướng mở cửa trở lại, điều này sẽ kích thích nhu cầu nhập khẩu, hứa hẹn nhiều cơ hội mới cho cá ngừ Việt Nam”.