Thị trường thanh toán điện tử ASEAN dự báo đạt 2 ngàn tỷ USD vào 2030
Theo một nghiên cứu mới do Google dẫn đầu, quy mô thị trường thanh toán điện tử đang bùng nổ ở Đông Nam Á dự kiến đạt 2 ngàn tỷ USD, tính theo giá trị giao dịch, vào năm 2030, gấp 3 lần so với 10 năm trước.
Động lực tăng trưởng đến từ việc ngày càng có nhiều ngân hàng fintech và ngân hàng số xuất hiện tại khu vực này, biến thanh toán điện tử trở thành phân khúc được rót vốn nhiều nhất.
Đây là báo cáo thường niên, do Google, quỹ đầu tư quốc gia Singapore Temasek và công ty tư vấn Bain & Co. của Mỹ thực hiện, nhằm đưa ra dự báo xu hướng kinh tế số tại 6 thị trường Đông Nam Á, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Xu hướng gắn kết khách hàng hơn là tìm người dùng mới
Lĩnh vực thanh toán điện tử tăng trưởng song song với sự phát triển liên tục của người dùng internet ở Đông Nam Á, với dự kiến tăng lên 460 triệu người vào năm nay. Tuy nhiên, sau nhiều năm tăng nhanh, xu hướng áp dụng kỹ thuật số đang bình thường hoá, với tổng số người dùng mới dự kiến đạt 20 triệu người trong năm 2022, tương đương một nửa con số của giai đoạn 2020 – 2021, báo cáo cho biết.
Sau thời kỳ COVID-19 với sự gia tăng mạnh mẽ trong việc sử dụng kỹ thuật số, đà tăng trưởng dần chậm lại, cho thấy một thực tế là hầu hết công ty công nghệ đang chuyển từ thu hút khách hàng mới sang tăng cường gắn kết khách hàng, nhằm tìm kiếm các đơn hàng thường xuyên và có giá trị hơn, cũng như để bán chéo.
“Đây lại là giai đoạn bình thường và được mong đợi của một nền kinh tế kỹ thuật số. Đông Nam Á vừa hay lại đang đến giai đoạn này”, Stephanie Davis, Phó chủ tịch Google Đông Nam Á, nói.
Một cách khác mà các công ty đang sử dụng để tăng cường sự gắn kết của khách hàng là thông qua các dịch vụ tài chính. Mặc dù nhu cầu trong nền kinh tế internet nói chung đang tăng trưởng chậm lại, báo cáo của Google dự đoán hoạt động thanh toán vẫn sẽ dẫn đầu trong sự phát triển của các dịch vụ tài chính điện tử, đặc biệt trong các phân ngành như kiều hối, cho vay, đầu tư và bảo hiểm đều tăng hai con số.
"Chiến trường" Đông Nam Á
Đông Nam Á đang trở thành "chiến trường" cho các công ty thanh toán điện tử, trong đó phải kể đến Adyen của Hà Lan và Stripe của Mỹ, hai cái tên đến từ phương Tây nhưng đã trở thành “người chơi lớn” trong khu vực này. Stripe bắt đầu hoạt động tại Thái Lan từ cuối tháng 10, sau khi gia nhập thị trường Singapore và Malaysia trong vài năm gần đây.
Trong lĩnh vực ngân hàng số, các công ty công nghệ cũng đang cạnh tranh gay gắt để giành thị phần và những người dùng chưa biết tới. Hãng cung cấp dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn Grab đã mở ngân hàng ảo hồi tháng 09/2022, hợp tác với Singapore Telecommunications, nhắm mục tiêu đến những người lao động và người trẻ của nền kinh tế gig. Ngân hàng ảo này đang đặt mục tiêu gia nhập thị trường Malaysia và Indonesia trong năm 2023.
“Ngân hàng số đang hoạt động với mức chi phí thấp hơn nhiều ngân hàng truyền thống mà họ sẽ phải cạnh tranh”, Florian Hoppe, giám đốc và người đứng đầu bộ phận thực hành kỹ thuật số của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Bain, cho hay.
Ant Group, công ty fintech của tập đoàn Alibaba của Trung Quốc, cũng ra mắt ngân hàng số ở Singapore trong năm nay. Standard Chartered đã cùng với tập đoàn bán lẻ FairPrice Group của Singapore khai trương một ngân hàng ảo ở quốc đảo sư tử, thu hút 100 ngàn khách hàng trong vòng 10 ngày.
Tuy nhiên, ông Hoppe cho rằng các ngân hàng số mới sẽ trải qua thời kỳ khó khăn hơn nhiều để cạnh tranh trong phân khúc khách hàng giàu có, bởi các ngân hàng lâu đời có xu hướng có mối quan hệ bền chặt hơn với những khách hàng này.
Báo cáo dự đoán chi tiêu trực tuyến tại Đông Nam Á, bao gồm các phân khúc như thương mại điện tử, giao đồ ăn, vận tải, du lịch và truyền thông trực tuyến, sẽ tăng 20% lên 194 tỷ USD trong năm 2022. Dù đã tăng gần hai lần trong năm qua, song con số này lại thấp hơn mức tăng 38% của năm ngoái.
Nền kinh tế internet của khu vực được dự báo đạt 330 tỷ USD vào năm 2025, giảm so với mức dự báo của năm ngoái là 363 tỷ USD. Ông Davis của Google cho biết đây là lần đầu tiên báo cáo cắt giảm dự báo, mà nguyên nhân đến từ tác động của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vào năm ngoái.
Xét theo quốc gia, Indonesia tiếp tục dẫn đầu với tư cách là nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất Đông Nam Á. Tại đó, chi tiêu trực tuyến được dự báo tăng lên 130 tỷ USD vào năm 2025, tiếp theo là Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Singapore.
Nguồn vốn cho startup tại Đông Nam Á duy trì đà tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, với giá trị thương vụ tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù các khoản đầu tư ở giai đoạn tăng trưởng đạt mức cao nhất mọi thời đại, song lại có sự phân hóa về khẩu vị của nhà đầu tư, với các công ty khởi nghiệp giai đoạn cuối bị ảnh hưởng bởi triển vọng IPO u ám.
Xét theo lĩnh vực, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đã vượt qua thương mại điện tử khi huy động được khoản tài trợ kỷ lục 4 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan nhất đối với lĩnh vực thanh toán và cho vay tiêu dùng.
Fock Wai Hoong, Phó giám đốc về công nghệ và người tiêu dùng ở Đông Nam Á của Temasek, cho biết: “Tuy nhiên, sự cạnh tranh đang gia tăng và chúng tôi kỳ vọng sẽ có xu hướng hợp nhất trong những tháng tới”.