Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 15/4: Chỉ số giá hàng hóa duy trì ở mức đỉnh 7 tháng
Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu đóng cửa tuần qua (8/4-12/4) với diễn biến phân hoá.
Lực bán chiếm ưu thế trên nhóm nông sản và năng lượng; tuy nhiên đà tăng mạnh của nhóm kim loại và nguyên liệu công nghiệp đã hỗ trợ chỉ số MXV-Index chốt tuần tăng 0,53% lên 2.328 điểm, cao nhất trong vòng 7 tháng.
Giá trị giao dịch toàn Sở tăng mạnh gần 13% so với tuần trước đó, trung bình đạt trên 7.500 tỷ đồng mỗi ngày. Dòng tiền liên tục tăng trên thị trường, nhờ những biến động mạnh của giá hàng hóa, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng ở khu vực Trung Đông.
Giá dầu thô suy yếu nhẹ trước áp lực vĩ mô
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thế giới có đà giảm nhẹ trước các áp lực vĩ mô lấn át yếu tố cung cầu. Chốt tuần, giá dầu WTI giảm 1,44% xuống 85,66 USD/thùng. Dầu Brent giảm 0,79% xuống 90,45 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu vẫn duy trì ở vùng giá cao nhất gần 6 tháng và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp ngay từ đầu tuần này, trước rủi ro căng thẳng địa chính trị leo thang.
Bảng giá năng lượng |
Lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu “nóng” trở lại, đã làm suy giảm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm nới lỏng chính sách tiền tệ. Cụ thể, dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3 của Mỹ tăng 0,3 điểm phần trăm trong so với tháng 2, lên mức 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn ước tính tăng 3,4%.
Theo công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group, phần lớn ý kiến cho rằng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9, thay vì tháng 6 như dự kiến. Ngoài việc kéo đồng USD tăng giá, tạo áp lực cho giá dầu, thì lãi suất cao kéo dài cũng sẽ gây ra rủi ro tăng trưởng và triển vọng tiêu thụ dầu mỏ trong tương lai.
Bên cạnh đó, áp lực tồn kho dầu gia tăng ở Mỹ trong tuần qua cũng thúc đẩy lực bán trên thị trường. Báo cáo của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại Mỹ tăng 5,8 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/4. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng tăng mạnh hơn dự báo của thị trường.
Tâm lý nhà đầu tư trong tuần trước cũng cải thiện phần nào trước nỗ lực hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza sau 6 tháng xung đột Hamas – Israel. Thậm chí, giá đã giảm mạnh ngay đầu tuần trước do thông tin này. Tuy nhiên, vào cuối tuần qua (ngày 14/4), nhóm Hồi giáo Palestine Hamas đã bác bỏ đề xuất ngừng bắn của Israel.
Cùng ngày, Iran bất ngờ chính thức tấn công trực tiếp Israel, căng thẳng địa chính trị được đẩy lên mức mới. Trước bối cảnh này, MXV cho rằng giá dầu vẫn có nguy cơ tăng cao hơn nữa trước lo ngại nguồn cung dầu có thể bị gián đoạn, do Iran chiếm tới 3% thị phần sản xuất dầu toàn cầu, và kiểm soát eo biển cực kỳ quan trọng Hormuz với 20% lượng dầu thế giới lưu thông mỗi ngày.
Giá kim loại ‘đua nhau’ đạt đỉnh
Thị trường kim loại đánh dấu tuần giao dịch rất sôi động khi nhiều mặt hàng liên tục kéo nhau lập đỉnh. Với nhóm kim loại cơ bản, kỳ vọng nhu cầu cải thiện đã hỗ trợ giá các mặt hàng tăng mạnh. Trong đó, giá quặng sắt ghi nhận mức tăng mạnh nhất nhóm kim loại khi tăng 12,9% lên 111,04 USD/tấn, cao nhất trong vòng một tháng. Đây cũng là tuần tăng giá tốt nhất của giá quặng sắt kể từ tháng 3/2022.
Theo dữ liệu hải quan, Trung Quốc nhập khẩu 310,13 triệu tấn quặng sắt trong quý I, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, theo Hiệp hội Thép thế giới (WorldSteel), tiêu thụ thép toàn cầu dự kiến tăng 1,7% lên 1,79 triệu tấn vào năm 2024 và tăng 1,2% lên 1,815 triệu tấn vào năm 2025, giúp củng cố nhu cầu nguyên liệu thô đầu vào là quặng sắt.
Cùng với đó, giá đồng COMEX tăng 0,53% lên 9.388 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 6/2022, do được thúc đẩy bởi rủi ro nguồn cung siết chặt và triển vọng tiêu thụ khởi sắc. Cũng theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu 474.000 tấn đồng chưa gia công và bán thành phẩm trong tháng 3, tăng 16,13% so với cùng kỳ.
Giá cũng nhận hỗ trợ khi mới đây, Citigroup cho rằng giá đồng đang bước vào chu kỳ tăng giá thứ hai - khoảng 20 năm sau chu kỳ đầu tiên. Họ dự báo giá đồng sẽ đạt trung bình 10.000 USD vào cuối năm nay và tăng lên 12.000 USD vào năm 2026.
Bảng giá kim loại |
Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim nối dài đà tăng sang tuần thứ ba liên tiếp nhờ phát huy tốt vai trò trú ẩn. Sau khi chạm mức đỉnh cao nhất 1 năm trong tuần giao dịch trước đó, giá bạc tiếp tục chinh phục mức đỉnh cao nhất 3 năm, chốt tuần tại mức 28,33 USD/ounce nhờ tăng 3,01%. Đáng chú ý, giá bạch kim đã vượt mốc 1.000 USD/ounce sau khi bật tăng 6,5%, đánh dấu tuần tăng giá tốt nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Vốn được coi là kênh đầu tư an toàn mỗi khi nền kinh tế có biến động, bạc và bạch kim đón nhận lực mua mạnh mẽ khi căng thẳng địa chính trị có nguy cơ lan rộng. Trong tuần trước, nhiều tờ báo đã đưa tin Iran dự kiến sẽ tấn công Israel nhằm trả đũa cuộc không kích vào đại sứ quán Iran diễn ra vào 1/4.
Diễn biến mới nhất và cuối tuần qua cho thấy, căng thẳng Iran Israel đã đẩy lên mức mới, kéo theo nguy cơ xung đột tại Trung Đông có thể lan rộng. Tương tự dầu thô, giá kim loại quý có thể sẽ biến động mạnh ngay từ đầu tuần này. MXV khuyến nghị tất cả thành viên thị trường theo dõi, tập trung công tác trị rủi ro ở mức cao nhất trong phiên giao dịch ngày 15/4/2024 và trong các phiên tiếp theo; có khuyến nghị, thông báo đến khách hàng, nhà đầu tư về việc duy trì tỷ lệ ký quỹ an toàn phù hợp với trạng thái hiện tại.
Giá một số hàng hóa khác
Bảng giá nguyên liệu công nghiệp |
Bảng giá nông sản |