Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển sản xuất xanh, kinh tế bền vững
Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tích hợp tăng trưởng xanh với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững…
Trong 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của 4 nhóm ngành trọng điểm; trong đó ngành chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 25,2%. Theo Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh, sự tăng trưởng trong sản xuất của nhóm ngành lương thực, thực phẩm, đồ uống chủ yếu do sự phục hồi tiêu dùng trong nước.
Tiếp nối thành công đó, năm 2023, thành phố đặt mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với năm 2022; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12%. Để đạt được mục tiêu trên, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống xây dựng thương hiệu; hỗ trợ kết nối giao thương, tiếp cận và đổi mới công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là thị trường nội địa. Mở rộng ra là thu hút các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy ngành lương thực, thực phẩm và công nghiệp chế biến theo hướng phát triển nhanh, bền vững.
Thúc đẩy nguồn lực hướng đến phát triển sản xuất xanh, tiêu dùng xanh
Ngành công thương thành phố cũng đang xây dựng chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nghiên cứu, khảo sát mô hình, kết nối vùng nguyên liệu, tìm kiếm địa điểm xây dựng kho lạnh, khu dự trữ, bảo quản tại các địa phương thuộc miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ phục vụ cho ngành công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh phát triển bền vững.
Theo số liệu của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang dần phát triển đi vào chiều sâu. Ngoài những tiêu chuẩn cơ bản, người tiêu dùng còn rất quan tâm đến xuất xứ, nguồn gốc, an toàn sử dụng hoặc sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng do các cơ quan chuyên môn công nhận, đặc biệt là nhóm hàng lương thực, thực phẩm và đồ uống.
Hiện nay, tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn (VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO...) cung cấp cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh khá lớn: thịt đạt hơn 321 tấn/năm; rau, củ, quả hơn 272 tấn/năm; sản phẩm thủy sản hơn 25 tấn/năm; trứng gia cầm đạt hơn 59% tổng sản lượng cung ứng thị trường. Trong khi đó, người tiêu dùng sẵn sàng tăng thêm chi trả cho sản phẩm có các ưu điểm vượt trội như truy xuất được nguồn gốc, thân thiện môi trường (nhãn xanh)…
Đặc biệt, nhiều người tiêu dùng ưu tiên mua các thực phẩm organic, bio organic, thực phẩm áp dụng theo cách nuôi trồng truyền thống, không gây hại đến môi trường. Đây được coi là xu thế lựa chọn mới của người tiêu dùng trong nước, khi tìm đến các sản phẩm xanh, có quy trình sản xuất, chế biến thân thiện môi trường hơn.
Về khía cạnh doanh nghiệp, các nhà sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống tại thành phố Hồ Chí Minh đã thích ứng nhanh với những thay đổi thói quen tiêu dùng. Một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm tại thành phố đã bắt đầu hướng đến kinh tế xanh. Đây là tín hiệu tích cực cần được nhân rộng để hướng đến phát triển, tăng trưởng bền vững.
Trước đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó nhấn mạnh vấn đề thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tích hợp tăng trưởng xanh với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; bảo đảm mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững…