Thanh Hóa hút khách chỉ sau Hà Nội và TP.HCM, riêng Sầm Sơn thu 1.400 tỷ đồng mỗi tháng từ khách du lịch
Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2022, thành phố Sầm Sơn đón gần 6,9 triệu lượt khách, gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, bằng 195,7% kế hoạch năm 2022.
Theo cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa, chiều 22/11, TP Sầm Sơn đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động du lịch năm 2022 và triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch năm 2023. Địa phương này đã ghi nhận những con số tích cực trong suốt 10 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2022, thành phố Sầm Sơn đón gần 6,9 triệu lượt khách, gấp 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, bằng 195,7% kế hoạch năm 2022. Thành phố đã phục vụ gần 14 triệu ngày khách, gấp 3,99 lần so với cùng kỳ năm 2021 và bằng 169,3% kế hoạch năm 2022. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 13.976,6 tỷ đồng, gấp 51,74 lần so với cùng kỳ năm 2021; cao gấp 1,8 lần so với kế hoạch năm 2022. Tính trung bình, mỗi tháng Sầm Sơn thu về gần 1.400 tỷ từ khách du lịch .
Trong năm 2022, địa phương này đã tổ chức nhiều hoạt động, thu hút số lượng lớn du khách, như: lễ kỷ niệm 115 năm du lịch Sầm Sơn; lễ hội du lịch biển năm 2022; lễ hội Tình yêu - hòn Trống Mái; lễ hội Carnival đường phố; chương trình nghệ thuật thứ 7 hàng tuần - SunFest Thanh Hóa 2022; lễ hội bánh Chưng - bánh Giầy; lễ hội cầu ngư - bơi chải,...
Năm 2023, TP Sầm Sơn đặt mục tiêu đón 7,25 triệu lượt khách, doanh thu đạt 15.518 tỷ đồng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đề nghị TP Sầm Sơn tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, làm tốt công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động du lịch, đặc biệt là trong quản lý giá cả, quản lý kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe điện.
Bên cạnh đó, ưu tiên nguồn lực để làm tốt công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành liên quan tổ chức các sự kiện quảng bá, giới thiệu du lịch Sầm Sơn tại các địa phương trọng điểm về du lịch của các nước. Nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các dịch vụ du lịch, tập trung phát triển thêm các dịch vụ du lịch khu vui chơi giải trí cao cấp, khu văn hóa, thể thao, du lịch mạo hiểm; các điểm trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP và đặc sản của các địa phương trong tỉnh cho khách du lịch... Đồng thời, làm mới các sản phẩm du lịch, tạo điểm nhấn khác biệt và tăng khả năng cạnh tranh trong khu vực.