Tăng trưởng tín dụng – Câu chuyện không ở cung vốn
Câu chuyện phát triển tín dụng hiện nay không nằm ở nguồn cung vốn, mà chủ yếu từ phía cầu vốn. Với nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đơn hàng thiếu hụt kéo dài, thực trạng các doanh nghiệp hiện nay phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, sức tiêu thụ hàng hóa chậm.
Thêm giải pháp nới lỏng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 10/7 đã quyết định phân bổ phân bổ tiếp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các nhà băng lên gần chạm mức mục tiêu cho cả năm nay là 14%. Theo đó nhiều ngân hàng trong ngày đã nhận được văn bản nới chỉ tiêu tín dụng cho năm nay. Trước đó vào tháng 2 đầu năm nay, NHNN đã phân bổ hạn mức lần 1 cho các ngân hàng với tổng mức tăng trưởng là 11%, với hầu hết các nhà băng nhận chỉ tiêu thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2022.
Những năm gần đây, NHNN thường phân bổ hạn mức cho các ngân hàng vào giai đoạn quý 1 đầu năm, điều chỉnh giữa năm và tăng thêm vào quý 4 cuối năm, trong đó lần phân bổ thứ 3 mới cho phép sử dụng hết mục tiêu tăng trưởng của năm. Do đó, lần điều chỉnh tăng này cho phép chạm hạn mức tối đa ngay từ giữa năm được xem là chính sách mạnh tay của nhà điều hành, củng cố định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trong những kỳ họp Quốc Hội gần đây, một số ý kiến cũng cho rằng việc nới thêm hạn mức tín dụng vào giai đoạn cuối năm là chưa kịp thời, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và nhiều doanh nghiệp nói riêng rơi vào tình trạng tắc nghẽn dòng tiền, đặc biệt vào năm ngoái. Động thái mới nhất này của NHNN cũng diễn ra ngay sau đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay cho sản xuất kinh doanh.
Dù NHNN đã có đến 4 lần giảm lãi suất điều hành trong nửa đầu năm nay, nhưng với tăng trưởng cung tiền và tín dụng vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhà điều hành có sự thận trọng nhất định. Cụ thể, tăng trưởng cung tiền đến ngày 20/6 là 2.53%, thấp hơn cả mức tăng 3.3% của cùng kỳ năm 2022, trong khi tăng trưởng tín dụng cập nhật gần nhất đến cuối tháng 6 là 4.7%, chỉ xấp xỉ một nửa mức tăng 9.35% của cùng kỳ năm ngoái.
Mới nhất, Nghị quyết số 97/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 cũng yêu cầu NHNN công bố ngay bằng biện pháp, hình thức phù hợp, hiệu quả chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại đến hết năm 2023, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1.5 - 2%) nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm nay thấp hơn kỳ vọng, khi đạt 3.72% và chỉ cao hơn tốc độ tăng 1.74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023, các hoạt động sản xuất, môi trường kinh doanh bị suy yếu, sức cầu tiêu dùng vẫn còn nhiều hạn chế, trong khi chính sách tài khóa mở rộng chưa phát huy hết hiệu quả, có thể thấy nhà điều hành đang trở nên sốt ruột và phải tìm kiếm sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ chính sách tiền tệ.
Câu chuyện không ở cung vốn
Đáng lưu ý là nếu như tăng trưởng tín dụng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê đến ngày 20/6 chỉ tăng 3,13% so với đầu năm, dữ liệu cập nhật gần nhất theo chia sẻ của NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 6 đã đạt mức tăng 4.7%. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 6, tín dụng đã tăng thêm gần 1.6%, tương đương một nửa mức tăng trưởng của 5 tháng rưỡi đầu năm. Nếu xét theo số tuyệt đối, dư nợ tín dụng đã kịp tăng thêm hơn 187,000 tỷ trong thời gian chưa đến hai tuần.
Diễn biến này hàm ý tín dụng dường như đã có dấu hiệu tăng tốc trở lại, đó có thể là do các ngân hàng chạy đua chỉ tiêu cuối quý 2 để hoàn thành KPI, hoặc cũng có thể do nhu cầu vay vốn trở lại. Dù vậy, đây được xem là một tín hiệu tích cực nếu so sánh với sự trì trệ trong hơn 5 tháng trước đó. Dĩ nhiên bên cạnh những ngân hàng gặp không ít khó khăn trong công tác phát triển cho vay, vẫn có số ít nhà băng đã hoàn thành hoặc sắp chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao, nên việc nới thêm hạn mức ngay từ đầu quý 3 này là giải pháp cần thiết và kịp thời.
Chỉ trong vòng 10 ngày cuối tháng 6, tín dụng đã tăng thêm gần 1.6%, tương đương một nửa mức tăng trưởng của 5 tháng rưỡi đầu năm. Nếu xét theo số tuyệt đối, dư nợ tín dụng đã kịp tăng thêm hơn 187,000 tỷ trong thời gian chưa đến hai tuần. |
Dù vậy, đứng trên góc độ toàn ngành, con số tăng trưởng 4.7% 6 tháng đầu năm nay cũng chiếm chưa đến 35% mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay là 14%, hoặc thậm chí có thể tăng lên tới 15% dựa trên tình hình nền kinh tế. Điều này cho thấy dư địa cho vay trong nửa cuối năm nay là còn rất lớn, điều mà chính các cơ quan quản lý cũng thừa nhận.
Do đó, câu chuyện phát triển tín dụng hiện nay không nằm ở nguồn cung vốn, mà chủ yếu từ phía cầu vốn. Với nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, đơn hàng thiếu hụt kéo dài, thực trạng các doanh nghiệp hiện nay phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh, sức tiêu thụ hàng hóa chậm, do đó cũng không có động lực mở rộng đầu tư hay sản xuất, vì vậy không có nhu cầu vay vốn cũng là điều tất yếu.
Trong khi đó, với những doanh nghiệp có nhu cầu vay thì lại không đáp ứng đủ điều kiện để có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, do hoạt động kinh doanh yếu kém, đứt gãy dòng tiền, những hạn chế về tài sản bảo đảm, báo cáo tài chính,…Đây cũng là vấn đề được giới phân tích chỉ ra trong suốt thời gian qua.
Nhu cầu vay vốn từ nhóm khách hàng cá nhân cũng suy giảm mạnh, trong bối cảnh các kênh đầu tư như bất động sản trầm lắng và vẫn có rủi ro cao, nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập nên càng phải thắt chặt chi tiêu. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy số lao động bị mất việc trong quý 2 vừa qua lên đến 217,800 người; số lao động đang làm việc trong các ngành công nghiệp giảm 4.2% so với cùng thời điểm.
Cũng cần biết rằng ngân hàng cũng là những thực thế kinh doanh và chịu trách nhiệm với cổ đông, có chức năng huy động các nguồn tiền gửi rồi đem cho vay nhưng phải đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Vì vậy, trước triển vọng kinh tế không khả quan, các nhà băng giảm động lực phát triển tín dụng bằng mọi giá để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất là điều có thể hiểu được.
Vì vậy, trong Nghị quyết số 97/NQ-CP cũng đặt ra yêu cầu các tổ chức tín dụng phải rà soát các điều kiện, tiêu chí cho vay để điều chỉnh phù hợp, thuận lợi hơn cho người vay, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân. Nhưng có lẽ phải thừa nhận rằng, một khi nền kinh tế chưa có những dấu hiệu khởi sắc thật sự, dòng vốn tín dụng ngân hàng cũng khó có thể tăng trưởng mạnh dạn.
Trong khi đó, các tổ chức tài chính quốc tế gần đây lại cho rằng với dư địa của chính sách tiền tệ không còn nhiều và đang có những hạn chế để phát huy hiệu quả, chính sách tài khóa cần thể hiện vai trò dẫn dắt kéo tăng trưởng rõ rệt hơn. Bên cạnh những chính sách miễn, giảm thuế, phí hỗ trợ cho doanh nghiệp va kích thích đầu tư, các dự án đầu tư công cần đẩy nhanh hơn để tạo sự lan tỏa và thúc đẩy sự phục hồi tích cực hơn ở khu vực tư nhân.