USD và nhân dân tệ tăng mạnh do căng thẳng ở Ukraina
Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng hai tuần do rủi ro địa chính trị gia tăng liên quan đến vấn đề Ukraine và có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ thể hiện lập trường ‘diều hâu” tại cuộc họp chính sách tháng 1, bắt đầu từ ngày thứ 25/1.
Các thị trường tài chính lúc này đều lo lắng và tập trung theo dõi căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine trong thời gian gần đây, nhất là khi Nga đang tăng cường điều quân đến đóng ở biên giới. NATO cho biết họ đang bố trí lực lượng ở chế độ sẵn sàng và tăng cường cho Đông Âu bằng nhiều tàu và máy bay chiến đấu.
Frederic Neumann, đồng phụ trách bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC, cho biết: "Fed đã tạo ra một thị trường với những chuỗi mắt xích có mối liên hệ khá chặt chẽ với nhau. Và tuần này, thị trường lại một lần nữa trong thế giằng co.
Một nhà ngoại giao NATO thông tin với hãng Reuters rằng Mỹ đang xem xét chuyển một số binh sĩ đóng quân ở Tây Âu sang Đông Âu trong những tuần tới và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho gia đình các nhà ngoại giao Mỹ rời Kyiv.
"Các thị trường đang lo lắng và chờ đợi, tuần này tập trung vào hai vấn đề chính: Cuộc họp của FOMC (Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ) và căng thẳng Nga-Ukraine", Moh Siong Sim, chiến lược gia tiền tệ của Bank of Singapore cho biết.
Bên cạnh đó, tuần này cũng sẽ diễn ra cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Canada, kết thúc ngay trước Fed và có khả năng tăng lãi suất. Dữ liệu lạm phát của Đức công bố ngày 25/1 cũng có thể định hướng cho lập trường quan điểm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào tuần tới.
Theo chiến lược gia Francesco Pesole của ING Bank, các thị trường đang cân nhắc ảnh hưởng từ những yếu tố rủi ro đối với đồng euro, về lo ngại ngày càng gia tăng rằng mối quan hệ giữa Nga với Ukraine và phương Tây xấu đi có thể khiến Moscow hạn chế cung cấp năng lượng cho châu Âu.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 24/1 theo giờ Việt Nam tăng 0,28%, trong đó tỷ giá euro giảm 0,16% xuống 1,1322 USD.
Đồng euro phiên này cũng mất điểm so với đồng franc Thụy Sĩ, một trong những đồng tiền trú ẩn an toàn, theo đó giảm xuống 1,0298, mức thấp nhất kể từ tháng 5 năm 2015 EUR.
Một đồng tiền trú ẩn an toàn khác, đồng yen, đầu phiên tăng giá nhẹ so với USD, nhưng kết thúc ngày giảm 0,22% xuống 113,92.
Như vậy, chỉ số Sollar index đã tăng khoảng 1,5% kể từ ngày 14/1. Trong thời gian này, một số ngân hàng đã nâng dự báo về tốc độ và quy mô của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách. Một ‘bức tranh’ chính sách mới của Fed sẽ trở nên rõ ràng hơn khi cuộc họp kết thúc, thứ Tư (26/1).
Dự kiến Fed sẽ báo hiệu việc bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3, đồng thời có thể sẽ bắt đầu thu hẹp lượng trái phiếu kho bạc đang nắm giữ, cũng thu hẹp cả khoản nợ thế chấp – đã tăng vượt 8.000 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán. Hầu hết mọi người dự đoán Fed sẽ nâng lãi suất lần đầu là 0,25%, vào tháng 3 tới, sau đó nâng thêm 3 lần nữa lên 1% vào cuối năm nay.
Các nhà phân tích của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia trong một thông điệp phát đi cho biết động thái của Fed có thể dẫn đến việc đồng USD phản ứng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, mặc dù USD đang tăng và euro đang giảm, song dữ liệu ngày 24/1 cũng cho thấy các nhà đầu cơ đang giảm vị thế nắm giữ USD trong tương lai xa xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9, thay vào đó là thêm 2,6 tỷ USD ròng cho đồng euro.
Chiến lược gia Pesole cho biết, nếu gạt vấn đề căng thẳng xung quanh Ukraine sang một bên, sự phục hồi của đồng đô la có thể bị đình trệ nếu Fed đưa ra dấu hiệu ưu tiên giảm bảng cân đối kế toán như một biện pháp để thắt chặt chính sách". Theo ông: "Nếu các thị trường thấy Fed sẵn sàng giảm bảng cân đối kế toán, điều đó có thể buộc phải điều chỉnh giảm quy mô trong dự báo về số lần tăng lãi suất".
"Đồng đô la sẽ được hỗ trợ nhiều từ kỳ vọng tăng lãi suất thực tế hơn là kỳ vọng rút thanh khoản ra khỏi thị trường," chiến lược gia Pesole cho biết.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là một trong số ít tiền tệ chống chọi lại việc USD tăng giá. Ngày 24/1, nhân dân tệ đạt 6,324 CNY/YSD, cao nhất kể từ tháng 5/2018, khi đó tỷ giá CNY ở nước ngoài là 6,324.
Với việc ngân hàng trung ương Trung Quốc đang thực hiện chính sách cắt giảm lãi suất và những lo ngại về lĩnh vực bất động sản giảm bớt, dòng chảy tiền vào thị trường Trung Quốc đã tăng lên, đặc biệt là vào nợ chính phủ.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin biến động mạnh trong phiên vừa qua. Từ mức gần 35.000 USD lúc đầu phiên giao dịch lao dốc xuống sát 33.000 USD vào buổi chiều cùng ngày, sau đó vọt trở lại mức 36.131 USD khi bước sang ngày 25/1. Mặc dù vậy, nếu so với thời điểm giá chạm mức kỷ lục 69.000 đô la vào tháng 11, Bitcoin đã giảm giá khoảng 50% và chưa có dấu hiệu kết thúc.
Giá bitcoin ngày 24/1.
Giá vàng ổn định trong phiên vừa qua trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến Ukraina làm tăng sức hút đối với vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Giá vàng giao ngay kết thúc ngày 24/1 theo giờ Việt Nam vững ở 1.832,60 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2 tăng nhẹ 0,1% lên 1.833,10 USD.
Trong khi vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát và rủi ro địa chính trị, thì việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi, vốn không có lãi suất. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị lại khiến nhà đầu tư xa lánh các tài sản rủi ro. Cuối cùng, vàng có thể sẽ vãn trở thành chìa khóa nắm giữ cho nhiều nhà đầu tư khi họ tìm kiếm sự bảo vệ trước nhiều mối lo ngại.
Ed Moya, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới OANDA dự đoán giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng 1.800 đến 1.860 USD, thậm chí cao hơn một chút trong vài tuần tới.
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
https://cafef.vn/usd-va-nhan-dan-te-tang-manh-do-cang-thang-o-ukraina-20220125015340169.chn