Nửa đầu năm 2023, Việt Nam chi 3,4 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi
Theo Cục Chăn nuôi, nửa đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 8,2 triệu tấn thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 3,4 tỷ USD.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 8,2 triệu tấn thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (tương đương 3,4 tỷ USD), giảm 3,3% về khối lượng và 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Giá thức ăn chăn nuôi đã hạ nhiệt |
Một số nguyên liệu nhập khẩu chính: ngô hạt 3,3 triệu tấn (tương đương 1,1 tỷ USD); khô dầu các loại 2,3 triệu tấn (tương đương 1,1 tỷ USD); lúa mì và lúa mạch 978 nghìn tấn (tương đương 321 triệu USD); DDGS (bã rượu khô) 450 nghìn tấn (tương đương 166 triệu USD); cám các loại 285 nghìn tấn (tương đương 70 triệu USD); gạo, tấm 237 nghìn tấn (tương đương 79 triệu USD); thức ăn bổ sung 190 nghìn tấn (tương đương 232 triệu USD)…
Số lượng nguyên liệu nhập khẩu giảm là do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng, do đó các doanh nghiệp đã tìm kiếm các nguồn thức ăn trong nước thay thế. Trung Quốc siết chặt nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam trong đó có cám gạo, sắn, do đó các nguyên liệu này được sử dụng trong nước tăng lên.
Về giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá ngô hạt giảm nhiều nhất (5,7%), giá DDGS giảm 3,8%; tuy nhiên, giá cám gạo chiết ly vẫn duy trì ở mức cao so với 2022 (tăng 4,7%), giá DDGS tương đương so với cùng kỳ năm 2022.
Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã giảm từ 1,2-3,2% so với thời điểm đầu năm 2023, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19 và so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ tiếp tục có xu hướng giảm từ nay tới cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác kiểm tra nhà nước về chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu và thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước, Cục Chăn nuôi đã phát hiện và lập 08 Biên bản vi phạm hành chính đối với 08 đơn vị và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với những đơn vị này với tổng số tiền phạt 153 triệu đồng.
Đối với thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, Cục Chăn nuôi phát hiện 04 đơn vị có hành vi nhập khẩu thức ăn chăn nuôi có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; 02 đơn vị có hành vi cố ý sửa chữa làm sai lệch nội dung trong hồ sơ đăng ký kiểm tra xác nhận chất lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Qua đó, Cục đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị này với số tiền phạt là 137 triệu đồng. Đồng thời, buộc tiêu hủy 2 lô thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; buộc tái xuất 1 lô thức ăn chăn nuôi; buộc sửa đổi thông tin chất lượng trên nhãn sản phẩm thức ăn chăn nuôi hoặc tài liệu kỹ thuật kèm theo lô sản phẩm thức ăn chăn nuôi 1 lô.
Đối với thức ăn chăn nuôi sản xuất trong nước, Cục Chăn nuôi phát hiện 2 đơn vị có hành vi sản xuất thức ăn chăn nuôi có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng (2 đơn vị này được phát hiện từ cuối năm 2022, xử lý vi phạm hành chính đầu năm 2023), đã lập Biên bản vi phạm hành chính và ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 đơn vị này với số tiền phạt là 16.000.000 đồng.
Cục Chăn nuôi nhận đinh, công tác kiểm tra giám sát chất lượng thức ăn chăn nuôi nhất là thức ăn sản xuất trong nước, thức ăn nhập khẩu thuộc diện hậu kiểm và miễn kiểm tra chưa được quan tâm nhiều ở các cấp địa phương và trung ương. Việc kiểm tra giám sát hoạt động của các đơn vị được chỉ định cũng chưa được thường xuyên.
Do đó, trong thời gian tới, Cục Chăn nuôi cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao và đảm bảo về chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Đồng thời, triển khai công tác quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi, kiểm soát sử dụng chất cấm, kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi. Tăng cường giám sát quản lý chất lượng vật tư lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là kiểm soát an toàn thực phẩm.
Tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm liên quan, nhất là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới. Phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành xử lý các vụ việc vi phạm về chất lượng giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi…