Nhà đầu tư “tay to” đang dần trở lại thị trường
Tâm lý muốn mua bất động sản đã xuất hiện rõ nét trên thị trường địa ốc. Tuy nhiên người mua vẫn giữ thái độ thận trọng khiến giao dịch ở các phân khúc chưa nhiều. Cuộc chơi phần lớn nằm trong tay các nhà đầu tư “tay to” sẵn dòng tiền mặt.
Chia sẻ trong báo cáo thị trường mới đây, đại diện DXS – FERI đã chỉ ra diễn biến bất động sản của ba thị trường miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Trong đó, thị trường bất động sản miền Trung đã xuất hiện một số thương vụ lớn đến từ các nhà đầu tư “tay to”. Dù còn nhỏ giọt nhưng đây được kì vọng sẽ là tiền đề để bất động sản nơi đây có đà phục hồi trong các năm tới.
Cụ thể, bất động sản nhà ở tại miền Bắc tổng nguồn cung trong quý 4/2203 đạt 16.000 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ năm 2023 đạt khoảng 30% - 35%. Đây là tỉ lệ khả quan nhất cả nước, cải thiện dần qua các quý. Người mua tận dụng lợi thế từ việc lãi suất giảm, các chính sách bán hàng kích cầu từ chủ đầu tư, cùng với thông tin tích cực về hạ tầng để “xuống tiền”. Dù vậy, căn hộ có tín hiệu khả quan thì thanh khoản đất nền vẫn còn khá yếu.
Tại thị trường miền Trung tổng nguồn cung sản phẩm Bất động sản nhà ở trong năm 2023 ghi nhận khoảng 5.600 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ cả năm từ 8% - 12%. Theo DXS-FERI, cả nguồn cung và mức giá bán tại khu vực này đều có sự sụt giảm. Tỉ lệ hấp thụ ở mức rất thấp, kể cả thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Đáng nói, nguồn cung và giá trị sản phẩm nhà ở tại khu vực miền Trung đã vượt cao hơn khả năng chi trả thực tế của đa số người mua có nhu cầu ở thực. Cùng với đó, thông tin tiêu cực từ thị trường chung và tình trạng pháp lý của các dự án lớn trong khu vực là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường kém khởi sắc. Tâm lý người mua vẫn e ngại.
Tuy nhiên, gần đây, thị trường bất động sản miền Trung xuất hiện một số giao dịch với giá trị lớn từ các nhà đầu tư từ Hà Nội, Tp.HCM, nhưng theo ghi nhận chỉ mang tính nhất thời và nhỏ giọt.
Trong khi đó, tại thị trường bất động sản miền Nam nguồn cung đạt 22.800 sản phẩm, tỷ lệ hấp thụ cả năm đạt 20% - 25%. Phân khúc căn hộ tại Tp.HCM và Bình Dương thống lĩnh nguồn cung mới lẫn hàng tồn kho. Giá bán sơ cấp tăng nhưng không đáng kể, mặt bằng giá ổn định vẫn là xu hướng chủ đạo.
Nguồn cung thứ cấp từ các dự án đã và đang hoàn thành hoặc từ nhóm khách hàng sử dụng đòn bẩy ít nhiều gây áp lực lên các dự án mở bán mới. Do đó, các chủ đầu tư thận trọng ra hàng nhỏ giọt nhằm thăm dò thị trường.
Tại Tp.HCM, 6 tháng cuối năm 2023, tình hình triển khai bán hàng và hấp thụ cải thiện đáng kể đến từ các dự án mới có pháp lý hoàn chỉnh, tiến độ xây dựng tốt cho thấy nhu cầu về nhà ở vẫn cao.
Mới đây, khi chia sẻ về động thái người mua với bất động sản, ông Nguyễn Đình Trường, Tổng giám đốc TT Capital cho hay, hiện nay chỉ mới có nhóm nhà đầu tư lâu năm trở lại thị trường nhưng không nhiều. Nhóm này là những nhà đầu tư lâu nay đã ở trong thị trường bất động sản, từng tham gia mua – bán bất động sản nhiều lần. Họ là những người hiện đang sở hữu tài sản nhưng kẹt dòng tiền do chưa bán được. Năm 2024, nhóm này sẽ giải quyết được một phần hàng tồn và xoay dòng vốn, tiếp tục mua bất động sản. Tín hiệu phục hồi của thị trường phần lớn cũng đến từ sự dẫn dắt của các nhà đầu tư này.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young cũng nhấn mạnh, hiện người mua vẫn giữ thái độ thận trọng với bất động sản. Bên bán và bên mua đang giằng co về giá. Nghĩa là, chủ đầu tư chịu áp lực khó giảm giá bán vì các chi phí đầu tư xây dựng tăng cao, trong khi người mua cho rằng giá bán đang cao hơn giá trị thực tế. Cho đến khi kỳ vọng hai bên gặp nhau mới có thể có sự khởi sắc trên thị trường. Thị trường tiếp tục thiếu căn hộ tầm trung-phổ thông cũng như loại hình NOXH. Đây là thách thức mang tính nền tảng khó giải quyết trong một sớm một chiều.