Ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là điểm sáng của kinh tế Việt Nam
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), năm 2022 ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam. Doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với đại diện các doanh nghiệp số Việt Nam.
Năm 2019, lần đầu tiên Bộ TTTT tổ chức Diễn đàn Quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam với “ngọn cờ” Make in Viet Nam - “Nghiên cứu tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam”. Tuyên bố về Make in Viet Nam được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại Diễn đàn năm 2019 đã trở thành nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Từ đó đến nay, sau 4 năm, chương trình Make in Viet Nam là định hướng thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đưa người dân lên môi trường số. Với quyết tâm cao, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Doanh thu của ngành ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đến cuối năm 2022 đã đạt trên 70.000 doanh nghiệp.
Cùng với đó, xuất khẩu của ngành công nghệ số Việt Nam năm 2022 ước đạt 136 tỷ USD. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ, đóng góp quan trọng vào quá trình thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo.
Theo Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long, cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của công nghệ số, dữ liệu số, dựa trên ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Cuộc cách mạng này đang mở ra cánh cửa mới, không gian mới cho mọi ngành nghề, lĩnh vực; những khởi tạo mới với sứ mệnh và tầm nhìn mới. Vì thế, cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần tiếp tục bắt kịp sự chuyển dịch này để có những khởi tạo mới định hướng cho tương lai.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, tận dụng công nghệ số, cuộc cách mạng số để góp phần thực hiện chuyển đổi số quốc gia và đi ra toàn cầu. Lấy chuyển đổi số là phương thức phát triển mới có tính đột phá để đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lấy thị trường trong nước là cái nôi để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trưởng thành và đi ra toàn cầu.
Bộ TTTT sẽ tiếp tục có những hoạt động dẫn dắt, định hướng lĩnh vực công nghiệp công nghệ số phát triển bền vững, với tư tưởng xuyên suốt là các sản phẩm Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, sáng tạo, sản xuất tại Việt Nam, hướng tới mục tiêu cao nhất là giúp cho người dân hạnh phúc và đất nước phát triển.
Đáng chú ý, trong định hướng thúc đẩy phát triển sản phẩm số Make in Viet Nam, Bộ TTTT lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để trao giải thưởng Make in Viet Nam. Nhiều sản phẩm tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, dần vươn ra thị trường quốc tế.
Tiêu biểu như sản phẩm Mesh Wi-Fi của VNPT - giải Vàng sản phẩm số xuất sắc năm 2021 đã tăng trưởng 400% từ 44.000 sản phẩm lên 220.000 sản phẩm. Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS, giải Bạc nền tảng số xuất sắc, đã và đang đồng hành cùng hơn 42.000 doanh nghiệp trong tiến trình chuyển đổi số. Hay hệ thống giám sát sâu rầy thông minh của Rynan - giải Bạc sản phẩm số xuất sắc đã tăng trưởng 96%, lắp đặt trên 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và năm 2022 được cấp phép thương mại tại Nhật Bản. Dự kiến đến hết năm 2023, sẽ lắp đặt 100 hệ thống tại thị trường Nhật Bản.
Bộ TTTT kỳ vọng các doanh nghiệp giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam”sẽ tiếp tục sáng tạo nhiều hơn nữa những công nghệ, sản phẩm số mới có tác động tích cực với kinh tế, xã hội và mở rộng khả năng đi ra thế giới.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp công nghệ số, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp số đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam cho biết: Việt Nam cần có một cộng đồng các doanh nghiệp công nghệ số, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trở thành người đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam tại cả thị trường trong nước và nước ngoài thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao hơn nữa giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Để làm được điều này, Chính phủ cần tạo ra những bài toán lớn cho doanh nghiệp; Thúc đẩy phá triển mạnh mẽ hệ sinh thái số Make in Vietnam cho từng ngành, từng lĩnh vực; Thúc đẩy ngoại giao trong lĩnh vực công nghệ; Đẩy mạnh thương hiệu chuyển đổi số Quốc gia; Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ số.