Môi giới bất động sản: Chưa bao giờ khó khăn như hiện tại!
Nhiều môi giới bất động sản đã phải đổi ngành, chuyển nghề hoặc đang tạm nghỉ ngơi đợi sự phục hồi của thị trường.
Sốt đất giai đoạn 2020 đến đầu năm 2022, nghề môi giới bất động sản trở thành nghề “hot” khi thu nhập có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng. Thời điểm đó đã tạo ra làn sóng người người, nhà nhà đổ xô đi làm môi giới nhà đất. Nhiều nhân sự ngành khác còn sẵn sàng bỏ việc đã làm bao lâu nay để chuyển sang nghề mới và học hỏi lại từ đầu.
Thế nhưng, với những môi giới chạy theo trào lưu mà không có một mục tiêu, kế hoạch với nghề một cách rõ ràng nhanh chóng nhận “trái đắng”. Điều này được thể hiện rõ khi cơn sốt qua đi, thị trường rơi vào trầm lắng bắt đầu từ quý 3/2022. Đặc biệt nhất 3 tháng cuối năm 2022, nhiều môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh không có giao dịch và phải bỏ tiền túi chi trả cho quảng cáo nhưng không bán được hàng hoặc lượng hàng chốt được không đáng kể.
Giám đốc một sàn giao dịch (xin giấu tên) có trụ sở tại Hà Đông, Hà Nội - chuyên bán đất nền dự án tại khu vực vùng ven Hà Nội cho biết, sau nhiều tháng không phát sinh giao dịch trong khi vẫn mất một khoản tiền quảng cáo, một số đội, nhóm của sàn đã tan rã, nhiều môi giới chủ động xin nghỉ việc hoặc xin tạm nghỉ chờ thị trường hồi phục quay lại làm việc.
Theo vị giám đốc này chia sẻ thêm, phần lớn môi giới nghỉ việc ở thời điểm này thường là những môi giới trẻ, vào nghề theo trào lưu, chớp thời cơ bắt sóng, chạy theo đám đông. Họ chưa từng trải qua sóng gió của thị trường, không có tích lũy cả về tài chính và kinh nghiệm nên tự hoặc bị đào thải. Còn với những môi giới lâu năm trong nghề, trong giai đoạn khó khăn, họ vẫn tìm ra được ngách kiếm tiền trên thị trường để sống ổn.
Anh Lương Xuân Lâm - nhân viên của sàn trên cho biết, gần 6 tháng nay, nhóm của anh không có giao dịch ở phân khúc đất nền dự án vùng ven Hà Nội. Do đó, anh đã quyết định chuyển sang bán căn hộ chung cư và đã bán được 2 căn.
“Thị trường bất động sản trầm lắng chủ yếu ở những phân khúc đầu cơ còn với dòng sản phẩm ở thực như chung cư vẫn nhận được sự quan tâm của người mua. Cho nên, tôi chuyển hướng sang phân khúc này nhưng cũng chỉ túc tắc. Ngoài những lúc gặp khách hàng, tôi dùng ô tô mà trước đây mua với mục đích đưa đón khách đi xem dự án để chạy Grab, kiếm thêm thu nhập”, anh Lâm nói.
Không riêng gì sàn trên, nhiều sàn môi giới phải giảm lương, cắt giảm nhân sự hoặc một nhân sự kiêm 2 đến 3 công việc để có thể sinh tồn. Thậm chí, có doanh nghiệp giảm đến 60-70% lượng nhân sự và cắt giảm lương, nhiều công ty buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm.
Đơn cử, một công ty bất động sản ở khu vực phía Bắc đã cho nhân viên nghỉ Tết kéo dài gần 2 tháng. Cụ thể, toàn bộ nhân viên thuộc công ty này sẽ bắt đầu nghỉ từ ngày 12/12/2022 đến hết ngày 05/02/2023. Riêng bộ phận Kinh doanh tiếp tục triển khai bán các sản phẩm đang có của công ty với cơ chế, chính sách theo thông báo.
Nhiều sàn môi giới khác cũng cho nhân viên nghỉ Tết sớm và dài như vậy do không có giao dịch. Các nhân viên tự hoạt động kinh doanh theo hình thức không lương, không thưởng Tết và nhận hoa hồng theo giao dịch thành công.
Hoạt động môi giới sau Tết ra sao?
Trong báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam tháng 1/2023, Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính – bất động sản Dat Xanh Services (FERI) nhận xét, hoạt động môi giới bất động sản vẫn chưa khôi phục về trạng thái bình thường.
FERI thông tin, kết quả khảo sát môi giới khu vực TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương sau Tết cho thấy, hoạt động môi giới bất động sản chưa khôi phục về trạng thái bình thường. Cụ thể, với những sàn môi giới có quy mô lớn (trên 300 nhân viên), gần như 100% các sàn đã quay trở lại hoạt động sau Tết. Trong khi đó, chỉ có 47% các sàn có quy mô vừa và nhỏ (dưới 100 nhân viên) hoạt động trở lại. Trên 1.250 mẫu khảo sát, 56% số lượng môi giới cá nhân cho biết vẫn tiếp tục theo nghề môi giới bất động sản dù thị trường vừa qua và hiện tại vẫn còn nhiều thách thức.
Nhận xét về tỷ lệ môi giới trở lại hoạt động sau Tết, bà Trịnh Thị Kim Liên – Giám đốc Kinh doanh Dat Xanh Services cho rằng, bên cạnh một bộ phận người làm môi giới bất động sản đã đổi ngành, chuyển nghề hoặc đang tạm nghỉ ngơi đợi sự phục hồi của thị trường, nhiều cá nhân môi giới bất động sản xác định đây là thời điểm không thể tốt hơn để tự nâng cấp bản thân.
“Thị trường bất động sản từ nửa cuối năm 2022 đến nay tồn tại không ít thách thức nhưng vẫn có nhiều cơ hội. Là người môi giới, dù là môi giới tự do hay môi giới trong các công ty thì mỗi người đều cần tự trau dồi, cập nhật, bổ sung cho bản thân những kiến thức, kỹ năng phù hợp xu thế... để nắm bắt cơ hội, tạo ra nhiều giá trị lớn cho bản thân, cho khách hàng, và cho doanh nghiệp”, bà Liên chia sẻ.
Chia sẻ về tình trạng môi giới bất động sản hiện, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường trầm lắng, khó khăn, nhân sự của ngành có biến động lớn là nghỉ việc, bỏ nghề. Đây cũng là giai đoạn thanh lọc nhân sự nghề môi giới bất động sản.
Còn theo Tiến sĩ Trần Minh Hoàng - Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam, đây là thời cơ cho người làm môi giới có kỹ năng, chất lượng phục vụ cao, kiến thức chuyên sâu kiến thức chuyên sâu trụ lại và dẫn dắt thị trường. Thị trường hiện tại còn là cơ hội cho những doanh nghiệp môi giới sở hữu mô hình, quy trình chuyên nghiệp, có liên kết tốt với chủ đầu tư, chính sách chăm sóc khách hàng tốt, tiềm lực tài chính mạnh.
Ông Hoàng khuyến nghị, người môi giới nên tiếp tục sàng lọc, lựa chọn kênh, đơn vị bán hàng có uy tín, phân khúc sản phẩm phù hợp với khả năng. Kiên định trong định hướng nghề nghiệp, nâng cao kiến thức, đạo đức hành nghề.