Kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,7%, mức cao nhất kể từ năm 1984
Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2022, mặc dù tốc độ có thể chậm hơn do tác động của lạm phát và đại dịch Covid-19.
Năm 2021, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng 5,7%, đây là mức tăng trưởng hàng năm cao nhất kể từ mức 7,2% của năm 1984. Theo Bộ Thương mại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng trong giai đoạn tháng 10 đến tháng 12/2021 với tốc độ bất ngờ 6,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2021, tăng trưởng Mỹ được thúc đẩy bởi chi tiêu tiêu dùng tăng 7,9% và đầu tư tư nhân tăng 9,5%.
Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm nay, mặc dù tốc độ có thể chậm hơn do tác động của lạm phát và đại dịch Covid-19. Nhiều nhà kinh tế đã hạ dự báo cho quý kinh tế hiện tại của nước Mỹ (từ tháng 1 đến tháng 3/2022) do những quan ngại về sự lây lan của biến thể Omicron. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng GDP Mỹ trong năm 2022 sẽ ở mức 4%.
Chi tiêu tiêu dùng, vốn là động lực chính của nền kinh tế, có thể sẽ chậm lại trong năm nay do chính phủ cắt giảm viện trợ cho các hộ gia đình.
Vào thứ Tư (26/1), Cục Dự trữ Liên bang FED cho biết có kế hoạch nâng lãi suất nhiều lần trong năm 2022 để kiểm soát đà tăng lạm phát. Những đợt nâng lãi suất này khiến chi phí đi vay trở nên đắt đỏ hơn, làm nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng nước này đã tăng 7% trong năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 1982. Thực phẩm, năng lượng và ô tô là những mặt hàng tăng giá mạnh nhất. Nhiều doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà hàng, quán bar, khách sạn và giải trí, hiện vẫn chịu những tác động của biến thể Omicron.
Vào năm 2020, GDP nước Mỹ đã giảm 3,4% so với một năm trước, đánh dấu mức sụt giảm hàng năm lớn nhất kể từ mức giảm 11,6% trong năm 1946. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vào tháng 3/2020 đã buộc các nhà chức trách phái áp dụng biện pháp hạn chế, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc giảm giờ làm. Chỉ trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2020, nước này mất đi 22 triệu việc làm khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Việc duy trì lãi suất ở mức siêu thấp, các khoản viện trợ khổng lồ từ chính phủ Mỹ bao gồm gói hỗ trợ trực tiếp 1.400 USD/người cho phần lớn người dân và nỗ lực mở rộng độ bao phủ của vắc-xin đã giúp nền kinh tế dần phục hồi.
Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép trong việc đảm bảo nguồn cung và nhân sự để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh mẽ trở lại. Chuỗi cung ứng toàn cầu đã rơi vào tình trạng tắc nghẽn trong khi các nhà máy, cảng và bãi vận tải hàng hóa trở nên quá tải.
Hà Thanh (theo AP, BLS)