Hai tháng miệt mài 'gom hàng' của khối ngoại
Dữ liệu cho thấy khối ngoại đã ròng rã mua ròng từ tháng 11/2022 đến nay (tính tại phiên 13/1/2023), với tổng giá trị đạt hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1,34 tỷ USD.
Vốn ngoại được kỳ vọng trở thành một trong các động lực với TTCK Việt Nam. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay (phiên 3/1 – 13/1), khối ngoại đã mua ròng gần 119 tỷ đồng trên riêng sàn HoSE. Nếu không xét giao dịch bán thỏa thuận hơn 3.300 tỷ đồng cổ phiếu EIB, NĐTNN mua ròng hơn 3.400 tỷ đồng.
Trong đó, họ tập trung mua ròng các mã HPG (+614,7 tỷ đồng), FUEVFVND (+321,6 tỷ đồng), VNM (+277 tỷ đồng), VHM (+245 tỷ đồng), VRE (+232 tỷ đồng)…. Chiều ngược lại, NĐTNN bán ròng EIB (-3.377 tỷ đồng), DPM (-147 tỷ đồng), DGC (-120,6 tỷ đồng)….
Mở rộng từ tháng 11/2022 đến nay, khối ngoại đã mua ròng tổng cộng hơn 30.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1,34 tỷ USD.
Các chuyên gia chứng khoán nhìn nhận một trong các lý do khiến khối ngoại mạnh tay mua ròng là định giá thị trường trong nước ở mức rẻ sau giai đoạn giảm sâu. Số liệu từ VnDirect cho thấy P/E của VN-Index hiện là khoảng 10,3 lần, khá thấp so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc…. Ngoài ra, áp lực tỷ giá USD suy giảm cũng là động lực hấp dẫn vốn ngoại.
Nhìn chung, đà mua ròng mạnh mẽ của NĐTNN được giới chuyên gia đánh giá vừa đóng vai trò là lực nâng đỡ thị trường, vừa là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh tâm lý thị trường giao dịch thận trọng trước thời điểm Tết Âm. Dù chỉ chiếm xấp xỉ 20% tổng GTGD trên thị trường chứng khoán, song sự đồng thuận mua ròng cổ phiếu của khối ngoại đã khiến họ trở thành nhóm “lead” chỉ số cả về điểm số và thanh khoản, thậm chí là cả tâm lý một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cá nhân trong nước.
Giao dịch của khối ngoại càng trở nên đáng chú ý hơn khi nền kinh tế toàn cầu dự báo gặp nhiều khó khăn trong năm 2023, điều ít nhiều sẽ tác động tiêu cực tới Việt Nam.
Nhiều chuyên gia trao đổi với Nhadautu.vn đều đánh giá dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ tiếp tục là lực đẩy nâng đỡ VN-Index trong năm 2023.
VnDirect nhận định tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của NĐTNN tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi. Ngoài ra, việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ tại đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống, đây cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Trung Du – Chuyên gia Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản cho rằng thị trường chỉ bắt đầu chu kỳ tăng mới khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhà đầu tư cá nhân mua ròng. Dòng tiền trên thị trường chỉ có thể sôi động trở lại khi có sự nhập cuộc của nhà đầu tư cá nhân. Bởi, NĐTNN thường mua ròng rồi “cất đi” chứ không giao dịch quá nhiều, điều này cũng khiến thanh khoản èo uột.
“Thị trường chỉ bắt đầu chu kỳ tăng mới khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, nhà đầu tư cá nhân mua ròng. Tuy điều này khó xảy ra trong nửa đầu năm, song sau quý II/2023 tới đây bối cảnh có thể sẽ đảo ngược”, ông nói.
Làm thế nào để hút dòng vốn ngoại?
Theo đánh giá từ ông Don Lam - Đồng sáng lập & Tổng Giám Đốc Quỹ VinaCapital, nâng hạng thị trường là yếu tố quan trọng để các quỹ đầu tư nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung thu hút dòng vốn ngoại. Tổng Giám Đốc Quỹ VinaCapital ước tính Việt nam có thể thêm ít nhất 10 tỷ USD vốn mới nếu thị trường được nâng hạng.
Ông Don Lam chỉ ra, điều đầu tiên cần cải thiện là tính thanh khoản thị trường. Ông nhìn nhận nếu tổng GTGD trên thị trường chứng khoán Việt Nam lên đến 2-3 tỷ Usd thì hoàn toàn có thể kích hoạt dòng tiền của nhà đầu tư ngoại lớn.
Vậy làm thế nào để cải thiện thanh khoản chỉ số? Lãnh đạo Vina Capital phân tích cần có các doanh nghiệp mới niêm yết lên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, cần có khuôn khổ pháp lý cho quỹ hưu trí độc lập, là rất quan trọng để đầu tư dài hạn. Tiếp đến, cần khuyến khích nhà đầu tư lẻ vào các quỹ chuyên môn để quản lý thị trường ổn định và lâu dài hơn. Quan trọng nữa là khả năng quản trị, quản lý và minh bạch thông tin phải đi chung với nhau.
Ngoài ra, ông Don Lam cho rằng cần tăng giới hạn sở hữu của NĐTNN thì mới đủ điều kiện cho thị trường chứng khoán nâng hạng thị trường.
Ông nói:“Yếu tố “room ngoại” đang kìm hãm sự phát triển của Việt Nam. Điều này đã thu hẹp số lượng cổ phiếu mà NĐTNN có thể mua vào, khiến cho các NĐTNN phải trả các khoản phí đắt đỏ nếu muốn đầu tư thêm. Giới hạn sở hữu như vậy khiến tài sản chứng khoán có tính thanh khoản thấp và do đó sẽ bị định giá thấp hơn so với tiềm năng và lợi nhuận của thị trường chứng khoán Việt Nam”.