Động lực nào thúc đẩy chứng khoán Việt Nam tiếp đà hồi phục vào quý 1/2023?
Trong kịch bản cơ sở, KBSV dự báo vùng điểm của chỉ số VN-Index ở mức 1.240 điểm cuối năm 2023.
Trải qua giai đoạn 2 năm tăng nóng 2020-2021, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 là một trong những thị trường có diễn biến không mấy khả quan. Nguyên nhân chủ yếu tới từ áp lực về tỷ giá và lạm phát, dẫn đến thanh khoản bị thắt chặt trên thị trường trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng cao.
Trong báo cáo triển vọng 2023 mới đây, Chứng khoán KBSV Việt Nam đưa ra cái nhìn lạc quan rằng thị trường chứng khoán sẽ tiếp nối nhịp hồi phục từ cuối năm 2022 và tiếp tục mở rộng thêm đà tăng vào quý 1/2023.
KBSV chỉ ra 2 động lực chính tác động tích cực tới sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường. Thứ nhất là việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn nền kinh tế. Thứ hai là FED chấm dứt chu kỳ tăng lãi suất sau kỳ họp tháng 3.
Tuy nhiên, bước sang quý 2/2023 là thời điểm các lo ngại suy thoái kinh tế sẽ gây áp lực lên TTCK toàn cầu khi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp có dấu hiệu suy yếu rõ ràng hơn, KBSV cho rằng áp lực đáo hạn TPDN lớn khiến rủi ro thị trường gia tăng và chỉ số VN-Index đứng trước nguy cơ quay lại xu hướng điều chỉnh.
Sang đến nửa cuối 2023, sự chú ý của thị trường sẽ tập trung vào khả năng nới lỏng chính sách của các NHTW lớn cũng như mức độ suy thoái của kinh tế Mỹ và EU. Trong trường hợp chỉ xảy ra một cuộc suy thoái nhẹ, KBSV nhận định rằng các NHTW vẫn đủ khả năng đảo ngược chính sách trong khi không gây tổn thất quá lớn đến kinh tế toàn cầu.
Theo đó, TTCK Việt Nam sẽ có cơ hội hồi phục trở lại với động lực đến từ động thái nới lỏng chính sách của các NHTW, trong khi nền tảng vĩ mô trong nước duy trì ổn định.
Mặt khác, Chứng khoán KBSV đưa ra một số yếu tố chính định hình xu hướng thị trường như việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, chính sách tiền tệ của Fed và rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ, rủi ro từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Song song, KBSV nhấn mạnh về tốc độ tăng cung tiền M2 cũng ảnh hưởng lớn đến TTCK.
Dựa trên những yếu tố định hình xu hướng, tại kịch bản cơ sở, KBSV kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc bình thường hoá vào quý 2/2023, qua đó tác động tích cực lên kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, động thái Fed sẽ chỉ tăng 25 điểm cơ bản vào quý 1 năm sau làm đồng USD hạ nhiệt tạo thêm dư địa điều hành chính sách cho NHNN được coi là động lực hỗ trợ xu hướng hồi phục của thị trường. Đồng thời, các chuyên gia KBSV dự báo cung tiền M2 quay trở lại xu hướng tăng trưởng như giai đoạn trước dịch, giúp hạ nhiệt mặt bằng lãi suất và thị trường TPDN không xảy ra đổ vỡ trên diện rộng.
“Chúng tôi dự báo vùng điểm hợp lý của chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2023 ở mức 1.240 điểm, tương ứng với mức tăng 8,05% của EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX, vùng P/E mục tiêu là 12 lần”, báo cáo nhấn mạnh.
Trong kịch bản tiêu cực khi những yếu tố trên diễn biến không thuận lợi, chỉ số VN-Index được dự báo giảm về mốc 880 điểm cuối 2023 (tương ứng mức giảm EPS 8% và P/E ở mức 10,x).