Định hướng phân phối trái vải, nhãn tại thị trường Thái Lan
Xuất khẩu vải, nhãn sang Thái Lan có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp (DN) nên tập trung vào phân khúc trung bình khá đối với các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý chất lượng cao. Còn các sản phẩm đại trà chưa có chỉ dẫn địa lý thì có thể tập trung vào phân khúc bình dân.
Tại hội nghị giao ban thương vụ tháng 5/2023 với chủ đề “Xúc tiến thương mại các mặt hàng quả vải và nhãn” do Bộ Công Thương tổ chức chiều 31/5, ông Nguyễn Thành Huy - Tùy viên thương mại, Phụ trách Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan cho biết, về cạnh tranh thị trường, hiện sản phẩm trái vải Việt Nam ở Thái Lan mới chỉ chiếm 0,5% thị phần, còn chủ yếu là vải Trung Quốc (55%) và Thái Lan (44,5%).
Việc xuất khẩu trái vải sang thị trường Thái Lan có nhiều thuận lợi. Thời gian vụ mùa giữa tháng 7 khi nguồn cung trên thị trường, đặc biệt là vải Trung Quốc và Thái Lan giảm mạnh. Trái vải Việt Nam có lợi thế chỉ dẫn địa lý với chất lượng vượt trội. Thị trường đa dạng về phân khúc từ đại trà đến trung cấp. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm chế biến từ vải gia tăng. Công nghệ bảo quản ngày càng bảo đảm chất lượng xuất khẩu chính ngạch.
Tuy vậy, khó khăn cũng không ít bởi thời điểm vụ mùa phần lớn trùng với Thái Lan và Trung Quốc. Bảo quản trái vải khó, vỏ quả dễ bị thâm gây mất thẩm mỹ. Chi phí vận chuyển cao khiến giá bán cao. Thêm vào đó, nhận diện thương hiệu hiện chưa mạnh, đặc biệt là sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Sức cạnh tranh cao của thị trường ngách.
Dù có nhiều thuận lợi nhưng hiện sản phẩm trái vải Việt Nam ở Thái Lan mới chỉ chiếm 0,5% thị phần.
Hiện sản phẩm vải Việt Nam phân phối tại thị trường Thái Lan có mức giá rất cao, gần 10 USD/kg, và phần lớn mức giá này nằm ở chi phí trung gian và chi phí vận chuyển.
Đối với quả nhãn, hiện sản phẩm nhãn của Thái Lan phần lớn chi phối thị trường, chiếm gần 100%. Những thuận lợi với quả nhãn xuất khẩu sang thị trường Thái Lan có thể kể đến như quả nhãn của Việt Nam có chất lượng vượt trội. Thị trường đa dạng về phân khúc từ đại trà đến trung cấp. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm chế biến từ nhãn gia tăng. Nhu cầu tiêu thụ lớn phục vụ thị trường nội địa và du lịch xuất khẩu chính ngạch.
Tuy vậy, cũng như trái vải, thời điểm vụ mùa trùng với Thái Lan. Chi phí vận chuyển cao khiến giá bán cao. Nhận diện thương hiệu của nhãn Việt Nam chưa mạnh. Cùng với đó là sức cạnh tranh cao của thị trường ngách.
Hiện Trung Quốc và Thái Lan đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm tập trung cả về thương hiệu và giá thành, phủ khắp tất cả các phân khúc.
Với phân tích trên, Thương vụ Thái Lan đề xuất, đối với các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý chất lượng cao của Việt Nam thì nên tập trung vào phân khúc trung bình khá. Còn các sản phẩm đại trà chưa có chỉ dẫn địa lý thì có thể tập trung vào phân khúc bình dân, đại trà.
Cũng theo ông Huy, hiện Thái Lan có 5 hệ thống phân phối, gồm chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, siêu thị, đại siêu thị và trung tâm đầu mối. Thái Lan cũng rất mạnh về kênh thương mại điện tử, các DN Việt Nam có thể nghiên cứu để xúc tiến qua kênh này.
Với các sản phẩm xuất khẩu nói chung của Việt Nam sang thị trường Thái Lan, ông Huy khuyến nghị các DN nên đa dạng hóa các kênh phân phối gồm bán lẻ, bán sỉ. Đa dạng các sản phẩm, thúc đẩy các sản phẩm chế biến và đông lạnh khi thị trường Thái Lan ghi nhận sự tăng trưởng mạnh thời gian vừa qua. Chú trọng quảng bá chỉ dẫn địa lý các sản phẩm bởi đây là yếu tố thu hút khách hàng.
Đây cũng là thị trường ngách khi hiện Thái Lan mới chỉ cho phép nhập khẩu 4 loại trái cây của Việt Nam. DN cần lưu ý yếu tố vụ mùa, theo dõi diễn biến thị trường và thời gian vụ mùa để đáp ứng cung - cầu trên thị trường. Đẩy mạnh quảng bá và truyền thông các công dụng của trái cây và sản phẩm chế biến.
Đặc biệt, cần cải thiện hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc hiện đại và sinh học bởi đây là kênh quảng bá hiệu quả. Nghiên cứu thị trường và thị hiếu tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm phù hợp với khách hàng. Ngoài ra, cần thông tin đầy đủ về các chứng chỉ chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.